Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmaeil Baghaei phát biểu trong cuộc họp báo tại Tehran. Ảnh: THX/TTXVN
Ông Baghaei đưa ra những phát biểu này tại một cuộc họp báo hàng tuần ở thủ đô Tehran nhằm giải thích thêm về các yêu cầu của Iran trong các cuộc đàm phán gián tiếp với Mỹ do Oman làm trung gian.
Sau 3 vòng thương thảo gián tiếp giữa Iran và Mỹ được tổ chức với vai trò trung gian của Oman cho đến nay, các bên đều ghi nhận đạt tiến triển “tích cực”, trong đó 2 vòng diễn ra tại thủ đô Muscat của Oman vào các ngày 12/4 và 26/4 và một vòng khác tại Rome (Italy) hôm 19/4.
Theo ông Baghaei, các chi tiết của bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng phải nằm trong khuôn khổ các phác thảo chung đã được hai bên nhất trí. Ông cho biết thêm sẽ không có thỏa thuận nào đạt được trừ khi “khuôn khổ chung” mà Iran mong muốn được tính đến.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran nhấn mạnh các cuộc tham vấn kỹ thuật sẽ được tổ chức đồng thời ở mỗi giai đoạn đàm phán. Việc chấm dứt lệnh trừng phạt một cách hiệu quả và việc tiếp cận các tài sản bị đóng băng “bất hợp pháp và bất công” của Iran là những yêu cầu nghiêm túc của Tehran trong các cuộc đàm phán.
Ông Baghaei lưu ý rằng một phái đoàn từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã đến Tehran trong ngày 28/4 để đàm phán kỹ thuật với các chuyên gia Iran về một số vấn đề liên quan đến các biện pháp thanh tra, kiểm tra và xác minh nhằm đảm bảo an toàn và an ninh hạt nhân của Iran.
Hiện tại, Iran và Mỹ đang nỗ lực tiến hành đàm phán sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gửi thư cho lãnh tụ tối cao Iran đề hối thúc hai bên tìm kiếm một thỏa thuận liên quan tới vấn đề hạt nhân của Tehran. Động thái này trái ngược với nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump khi ông rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) hồi năm 2018. Thỏa thuận này được Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015, trong đó đặt ra giới hạn nghiêm ngặt về hoạt động hạt nhân của Tehran để đổi lấy việc nới lỏng các lệnh trừng phạt. Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận trên và tái áp đặt trừng phạt Iran đã khiến quốc gia Hồi giáo này quyết định ngừng thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận và tăng cường quy mô cũng như cấp độ làm giàu urani lên mức 60%.