Chia sẻ với báo giới tại thủ đô Tehran, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Iran hoan nghênh những tuyên bố mới đây của giới chức Mỹ tại New York, đánh giá giá chính quyền Tổng thống Joe Biden có niềm tin vào cuộc đàm phán.
Ngoại trưởng Iran một lần nữa nhắc lại lời kêu gọi Mỹ xóa bỏ lệnh phong tỏa một phần tài sản của Iran tại các ngân hàng nước ngoài mà Washington đã áp đặt kể từ sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào năm 2018 vì điều này sẽ thể hiện thiện chí thực sự của Mỹ.
Tuy nhiên, ông cho biết các yếu tố quyết định trong vấn đề này sẽ được đặt ra trong các cuộc đàm phán tới đây.
Đề cập đến cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran, Bagheri Kani và các nhà hòa giải của EU tại Brussels (Bỉ), ông Amir Abdollahian cho biết cả hai bên đã thảo luận về cách tiếp cận các cuộc đàm phán sắp tới tại Vienna theo cách mà tất cả các bên quay trở lại cam kết năm 2015 "mà không lãng phí thời gian và trong thời gian ngắn nhất có thể."
Ngoại trưởng Amir Abdollahian nhấn mạnh Iran chấp nhận hình thức đàm phán "đã được định hình trong các cuộc đàm phán tại Vienna," và sau các cuộc thảo luận hiện tại ở Brussels, Iran sẽ sớm quyết định ngày nối lại các cuộc đối thoại với nhóm P4 + 1 ( Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cộng với Đức).
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại Mỹ ngày 27/10 kêu gọi Iran thể hiện "thiện chí", đồng thời bày tỏ tin tưởng thỏa thuận hạt nhân có thể được khôi phục một cách nhanh chóng.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ sự tin tưởng có thể nhanh chóng đạt được và thực thi một bản ghi nhớ về việc đưa các bên quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Người phát ngôn này khẳng định các cuộc đàm phán sắp tới nên tập trung giải quyết một số vấn đề nhỏ còn tồn tại ở cuối vòng đàm phán hồi tháng 6 vừa qua.
Về thời điểm cụ thể diễn ra đàm phán, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 27/10 cho biết các trưởng đoàn đàm phán sẽ quyết định thời điểm tiến hành vòng thảo luận tiếp theo giữa Mỹ và châu Âu với Iran.
Bà Psaki cũng nhấn mạnh rằng Mỹ tiếp tục cam kết theo đuổi con đường ngoại giao để giải quyết căng thẳng liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran.
Theo thỏa thuận JCPOA ký năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức), Iran hạn chế chương trình làm giàu urani để đổi lấy việc được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế. Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA và đơn phương tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran.
Đáp lại, Tehran dần từ bỏ việc thực thi các cam kết trong thỏa thuận kể từ tháng 5/2019. Sau khi nhậm chức hồi tháng 1, Tổng thống Joe Biden cam kết Mỹ sẽ trở lại thỏa thuận. Hiện các bên đang thúc đẩy đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận này. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán tạm ngừng vào tháng 6 vừa qua do sự thay đổi lãnh đạo ở Iran.