Hãng thông tấn chính thức IRNA dẫn lời người đứng đầu AEOI, ông Ali Akbar Salehi cho biết số máy ly tâm trên được sử dụng “theo chính sách giảm cam kết trong khuôn khổ Kế hoạnh Hành động chung Toàn diện (JCPOA)”. Ông khẳng định Iran giờ đây đã có thể chống lại các thách thức của việc Mỹ rút khỏi JCPOA.
Tuy nhiên, ông Salehi không cung cấp thông tin chi tiết về cấp độ urani được làm giàu tại nhà máy Fordow. Ông Salehi nhấn mạnh: “Hoạt động làm giàu (urani) được tiến hành theo những nhu cầu của chúng tôi và chúng tôi sẽ dự trữ nguồn nhiên liệu này”.
Năm 2015, Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức) đã ký với Iran thỏa thuận hạt nhân JCPOA, theo đó Teheran cắt giảm hoạt động hạt nhân đổi lấy sự nới lỏng trừng phạt, trong đó có việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí. Việc ngừng toàn bộ hoạt động làm giàu urani tại nha fmáy Fordow là một trong các yêu cầu của thỏa thuận này.
Tuy nhiên, vào tháng 5/2018, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Quan hệ giữa Washington và Tehran ngày càng xấu đi sau một loạt động thái gây căng thẳng từ hai phía.
Sau đó, từ tháng 5/2019, Iran từng bước giảm bớt các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, trong đó có việc tăng giới hạn làm giàu urani. Tehran lần đầu thông báo nối lại hoạt động ở nhà máy Fordow từ tháng 11/2019, trong bước nới lỏng cam kết thứ 4. Trước đó, Iran cũng đã tăng mức làm giàu và lượng dự trữ urani đã làm giàu so với cam kết trong thỏa thuận.
Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) công bố vào ngày 4/9, lượng urani làm giàu của Iran đã gấp hơn 10 lần mức giới hạn trong thỏa thuận.