Đây là tuyên bố của Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đưa ra ngày 10/6 trong cuộc hội đàm chung với người đồng cấp Đức Heiko Maas đang ở thăm nước này.
Ngoại trưởng Zarif khẳng định Tehran sẽ hợp tác với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân. Liên quan đến căng thẳng hiện nay với Mỹ, ông Zarif cảnh báo Washington có thể "sẽ không an toàn" sau khi phát động "cuộc chiến kinh tế" đối với Tehran. Biện pháp duy nhất giảm căng thẳng trong khu vực hiện nay là ngừng cuộc chiến kinh tế này.
Về phần mình, Ngoại trưởng Maas khẳng định Đức và các nước EU khác đều muốn tìm biện pháp cứu vãn thỏa thuận hạt nhân.
Ngoại trưởng Đức Maas đang ở thăm Iran - chặng dừng chân cuối trong chuyến công du Trung Đông gồm Iraq, Jordan và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), như một phần trong nỗ lực của các nước châu Âu nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân cũng như tháo ngòi "căng thẳng" giữa Tehran và Washington.
Iran đã ký JCPOA với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) năm 2015. Theo JCPOA, Iran sẽ phải hạn chế chương trình hạt nhân mà phương Tây lo ngại có thể sẽ dẫn tới việc phát triển bom hạt nhân.
Đổi lại, các quốc gia phương Tây đồng ý gỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran. Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Động thái này được cho là nguyên nhân dẫn đến căng thẳng hiện nay giữa Washington và Tehran.
Tháng 5 vừa qua, Tehran tuyên bố sẽ "thu hẹp" việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là sẽ tăng mức độ làm giàu urani. Đây cũng chính là thời hạn mà Iran yêu cầu các nước còn lại tham gia thỏa thuận gồm Anh, Trung Quốc, Nga, Pháp và Đức phải thực hiện cam kết liên quan đến lĩnh vực dầu mỏ và ngân hàng để phá vỡ các lệnh trừng phạt của Mỹ và thúc đẩy thương mại. Tuy nhiên, cho đến nay, châu Âu vẫn chưa đưa ra được biện pháp nào để giúp Iran tránh khỏi các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Trước khi diễn ra cuộc hội đàm giữa hai ngoại trưởng Iran và Đức, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Abbas Mousavi đã chỉ trích các nước EU tham gia ký kết JCPOA, cho rằng các nước này đã không cứu vãn thỏa thuận sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi hồi năm 2018 cũng như tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nước Cộng hòa Hồi giáo.
Theo ông, Tehran vẫn chưa nhận thấy các bước đi cụ thể và thiết thực từ phía các nước EU nhằm đảm bảo các lợi ích của Iran. Do đó, Iran sẽ không thảo luận bất kỳ vấn đề nào khác ngoài thỏa thuận hạt nhân và EU không thể bình luận các vấn đề của Iran ngoài thỏa thuận hạt nhân.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Zarif cũng tuyên bố châu Âu không có quyền chỉ trích Tehran vì những vấn đề nằm ngoài JCPOA, đồng thời kêu gọi lãnh đạo các nước châu Âu bình thường hóa quan hệ kinh tế với nước cộng hòa Hồi giáo, hoặc phải đối mặt với hậu quả.
Tuyên bố trên của Iran được cho là nhằm phản ứng phát biểu của ông Maas trong chuyến thăm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) rằng chương trình tên lửa đạn đạo của Iran là vấn đề gây tranh cãi.
Tuy nhiên, phát biểu với báo giới ngay sau khi đến Iran, Ngoại trưởng Đức khẳng định JCPOA có vai trò "cực kỳ quan trọng" đối với an ninh châu Âu, song EU không muốn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Theo ông, EU hiểu rõ những lợi ích kinh tế mà Tehran từng hy vọng từ JCPOA hiện khó "gặt hái" hơn sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận. Dù vậy, Iran vẫn cần tôn trọng đầy đủ thỏa thuận.