Hãng thông tấn Tasnim dẫn lời ông Rouhani cho rằng châu Âu đã thực hiện một bước đi lớn khi thành lập một cơ quan đặc biệt để duy trì các mối quan hệ tài chính và tiền tệ tại Iran. Trước đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng đánh giá những nỗ lực hỗ trợ từ phía châu Âu nhằm duy trì các mối quan hệ kinh tế với Tehran trước các áp lực từ Mỹ là "tốt hơn mong đợi".
Những nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh hồi tuần trước, các quốc gia châu Âu tuyên bố đang xem xét thiết lập cơ chế đặc biệt SPV nhằm hỗ trợ thương mại với Iran và sẽ đưa cơ chế này vào hoạt động trước tháng 11. Các nhà ngoại giao châu Âu mô tả SPV như một phương tiện tạo ra hệ thống trao đổi hàng hóa với hình thức đổi dầu mỏ Iran với các hàng hóa châu Âu thay vì dùng tới tiền tệ.
Hồi tháng 5 vừa qua, Mỹ tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức. Theo thỏa thuận, Tehran cam kết kiềm chế các chương trình hạt nhân để đổi lại các quốc gia phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia Hồi giáo này. Sau khi rút khỏi thỏa thuân, Mỹ đã áp đặt vòng trừng phạt đầu tiên đối với Iran hồi tháng 8 vừa qua. Dự kiến, vòng trừng phạt thứ hai sẽ có hiệu lực từ ngày 5/11 tới. Bất chấp các sức ép từ phía Mỹ, các quốc gia châu ÂU đã nỗ lực để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân này.