Trong chuyến thăm Iran cuối tuần trước của Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi, hai bên đã đạt được một "giải pháp tạm thời" kéo dài 3 tháng, cho phép IAEA tiếp tục thực hiện công tác thanh sát hạt nhân ở nước CH Hồi giáo này nhưng mức độ tiếp cận sẽ bị hạn chế kể từ ngày 23/2.
Theo văn bản gửi đến các nước thành viên của IAEA trước thềm cuộc họp hằng quý vào tuần tới của ban lãnh đạo cơ quan này, Mỹ bày tỏ mong muốn về một nghị quyết thể hiện quan ngại sâu sắc hơn của IAEA về sự hợp tác của Iran. Cụ thể, IAEA cần yêu cầu Iran tuân thủ thỏa thuận và hợp tác để làm rõ về lượng urani được tìm thấy ở các cơ sở cũ mà nước này chưa khai báo. IAEA đã xác nhận thông tin này trong một báo cáo mới nhất.
Tuy nhiên, trong văn bản gửi đến các quốc gia khác mà hãng tin Reuters có được, Iran cho rằng động thái này không mang tính xây dựng và coi đó là dấu chấm hết cho thỏa thuận chung mang tính kỹ thuật tạm thời ký ngày 21/2 vừa qua giữa Iran và IAEA. Điều này có thể khiến tình hình phức tạp hơn nữa liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Trong tuần này, Iran đã tạm dừng thực thi Nghị định thư Bổ sung đối với Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Iran cũng chính thức bắt đầu hạn chế các cuộc thanh sát của IAEA đối với các cơ sở hạt nhân của nước này. Đây là những bước đi nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đã tái áp đặt với Iran sau khi rút khỏi JCPOA vào năm 2018.
Hiện Mỹ và Iran dường như đang tranh cãi việc bên nào phải hành động trước để cứu vãn JCPOA. Iran cho rằng Mỹ nên dỡ bỏ trừng phạt trước, trong khi Mỹ muốn Iran ngừng các hành động đáp trả mà Washington cho là vi phạm thỏa thuận trước.