Phát biểu tại một hội thảo trực tuyến, Bộ trưởng Nadiem cho rằng nỗ lực trên nhằm giảm thiểu tình trạng giáo dục tụt hậu do học tập từ xa, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu đưa trẻ em quay trở lại trường học một cách an toàn nhất với các giao thức y tế. Ông đánh giá rằng việc dạy và học trực tuyến trong đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến năng lực lẫn tâm lý của học sinh và điều này không chỉ ở Indonesia mà tại hầu hết các nước trên toàn thế giới. Tuy nhiên, hiện Bộ Giáo dục Indonesia vẫn chưa thể xác định hoặc đo lường mức độ ảnh hưởng này.
Theo ông Nadiem, ngoài việc ưu tiên đưa học sinh quay trở lại trường, cơ quan chức năng còn triển khai một số nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng tụt hậu giáo dục trên, trong đó có các chương trình Động lực Giáo viên và Số hóa Trường học. Với sự tham gia của hàng chục nghìn giáo viên tại các vùng khó khăn, vùng sâu và vùng xa, chương trình Động lực Giáo viên nhằm hỗ trợ học sinh theo học các môn toán và đọc viết. Trong khi đó, chương trình Số hóa Trường học nhằm cải thiện cơ sở vật chất giáo dục tại các địa bàn khó khăn này.
Trước đó, Bộ Giáo dục Indonesia đã kêu gọi các địa phương đã được phép mở lại trường học mạnh dạn tổ chức dạy học trực tiếp với quy mô nhỏ. Trước đó, chính phủ nước này đã cho phép các trường tại các khu vực triển khai lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp 1, 2 và 3 tổ chức dạy và học trực tiếp.
* Theo Hãng thông tấn Séc (CTK), ngày 18/8, chính phủ nước này vừa ban hành một bộ quy tắc mới cho phép học sinh được trở lại trường học kể từ ngày 1/9. Xét nghiệm nhanh COVID-19 sẽ là điều đầu tiên các học sinh phải thực hiện ngay khi tới trường.
Theo đó, học sinh sẽ được test nhanh 3 lần vào các ngày 1/9, 3/9 và 6/9 nhằm truy vết tối đa số ca mắc COVID-19. Các trường hợp dương tính sẽ được tiếp tục xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp xét nghiệm PCR. Những học sinh từ chối làm xét nghiệm sẽ bị bắt buộc luôn phải đeo khẩu trang. Học sinh chưa thực hiện xét nghiệm cũng sẽ không được tham gia vào các hoạt động trong nhà và các hoạt động thể chất của nhà trường.
Bộ trưởng Y tế Séc Adam Vojtĕch cho biết các quy định trên chỉ mang tính tạm thời. Những trường hợp ngoại lệ không bắt buộc phải trải qua xét nghiệm là các học sinh đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 và những em đã bị nhiễm COVID-19 từ trước đó ít nhất 180 ngày. Không chỉ học sinh mà ngay cả đội ngũ giáo viên, nhân viên tại các trường học cũng phải xét nghiệm.
Các trường học cũng sẽ quan tâm nhiều hơn đến công tác vệ sinh, thực hiện ngăn ngừa lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại hàng loạt khu vực trong khắp khuôn viên trường và tiến hành vệ sinh khử khuẩn trang thiết bị, học cụ vài lần mỗi ngày.