Vaccine Nusantara là một sản phẩm do nhóm nghiên cứu thuộc công ty dược phẩm PT. Rama Emerald Multi Sukses (Rama Pharma) của Indonesia, hãng dược AIVITA Biomedical của Mỹ và Khoa Y thuộc Đại học Diponegoro cùng bào chế.
Nhà khoa học Yetty Movieta Nency - một thành viên của nhóm nghiên cứu - cho biết các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 đã được tiến hành sau khi hoàn tất giai đoạn 1 vào cuối tháng 1/2021 với kết quả tốt và không gây bất cứ vấn đề nào nghiêm trọng đối với 27 tình nguyện viên.
Theo bà Yetty, mục đích thử nghiệm giai đoạn 2 nhằm xác định hiệu quả của vaccine đối với 180 tình nguyện viên. Tiếp đó, các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 sẽ được xúc tiến với sự tham gia của 1.600 tình nguyện viên nhằm xác định liều lượng vaccine.
Trước đó, ngày 16/2, phát biểu khi cùng đoàn nghị sĩ thuộc Quốc hội Indonesia thăm bệnh viện Kariadi, cựu Bộ trưởng Y tế Terawan Putranto cho biết vaccine Nusantara được “cá thể hóa” và có hiệu quả đối với mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến những người trên 60 tuổi bị mắc các bệnh nền.
Ngoài Nusantara, Indonesia cũng đang nghiên cứu và phát triển vaccine “Merah dan Putih" (Đỏ và Trắng) với sự tham gia của Viện Sinh học phân tử Eijkman, cùng hai công ty dược phẩm PT Kalbe Farma và PT Biofarma. Người đứng đầu Viện Eijkman - Giáo sư Amin Soebandrio bày tỏ hy vọng có thể chuyển "hạt giống" vaccine cho Biofarma vào đầu tháng 3 tới để tiếp tục các cuộc thử nghiệm tiền lâm sàng, lâm sàng giai đoạn một, hai và ba trên 4.000 - 5.000 tình nguyện viên.
Trong khi đó, ngày 17/2, Giám đốc công ty Biofarma - ông Honesti Basyir khẳng định rằng nếu mọi việc suôn sẻ, vaccine “Merah dan Putih" sẽ hoàn tất các cuộc thử nghiệm lâm sàng vào đầu năm 2022 để bắt đầu đưa vào sản xuất trong quý III cùng năm.