Theo hãng tin AP, tổng cộng có 610 trường học đạt tiêu chuẩn do Cơ quan Giáo dục Jakarta đặt ra để có thể được mở cửa trở lại. Tuy nhiên, những ngôi trường này vẫn phải đảm bảo thực hiện nhiều biện pháp phòng dịch hết sức thận trọng.
Theo đó, việc học trực tiếp sẽ được kết hợp với học từ xa và thời gian học ở trường sẽ tăng dần dựa theo các đánh giá về tình hình thực tế của chính phủ. Ban đầu, học sinh tiểu học sẽ tới trường 3 ngày một tuần, học sinh phổ thông tới trường 4 ngày một tuần còn học sinh trung học tới trường 5 ngày một tuần. Thời gian mỗi tiết học của tất cả các cấp đều được rút ngắn.
Ban đầu, chính quyền thành phố Jakarta dự định tái mở cửa các trường học vào tháng 6, nhưng đã phải hoãn lại khi làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta nguy hiểm tấn công nước này.
Phó Thống đốc Jakarta Ahmad Riza Patria cho biết giới chức hy vọng sẽ mở cửa trở lại tất cả các trường học vào tháng 1/2022. Theo số liệu của chính phủ, Jakarta có tổng cộng 5.341 trường gồm tiểu học và trung học phổ thông.
Sau hơn một năm, Akila Malawa, học sinh 12 tuổi, đã được đến trường học. Cô bé chia sẻ trong ngày đầu tiên quay lại trường trung học cơ sở Suluh: “Cháu cảm thấy lo lắng. Nhưng cháu rất vui khi được gặp lại bạn bè”.
Amalwin Harjodisastra, bạn cùng lớp của Malawamong, cho biết: “Cháu muốn dịch bệnh ở Indonesia sẽ chấm dứt để học sinh có thể đến trường và gặp gỡ bạn bè mỗi ngày”.
Các trường học ở một số thành phố khác cũng tái mở cửa trong ngày 30/8. Song khi hoat động trở lại, những chỉ dẫn của chính phủ đã thay đổi nhiều thói quen thường ngày của các lớp học. Theo đó, học sinh không được tụ tập nói chuyện trong lớp học, phải đeo khẩu trang suốt thời gian ở trường và không ai được ra khỏi lớp trong giờ nghỉ giải lao. Các trường phải giảm 50% lượng học sinh trong lớp học, mỗi lớp học được chia làm hai ca. Bên cạnh đó, tất cả giáo viên đều phải tiêm vaccine phòng COVID-19.
Chính quyền và các chuyên gia giáo dục Indonesia cho rằng việc mở cửa trường học cho học sinh học trực tiếp sẽ giúp cải thiện tình trạng bỏ học, giúp học sinh duy trì tương tác xã hội và bớt cảm giác bị cô lập sau thời gian dài trong nhà. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về việc mở cửa sớm trường học, do có khoảng 13% trường hợp mắc COVID-19 ở Indonesia là trẻ vị thành niên.
Số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã giảm 90% so với đỉnh điểm tháng 7/2021. Trong ngày 30/8, quốc gia này đã ghi nhận thêm 10.534 ca mắc COVID-19, số ca mắc mới hàng ngày thấp nhất trong gần 3 tháng qua.
Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới, đã ghi nhận hơn 4 triệu ca mắc kể từ khi đại dịch bùng phát. Số ca nhiễm tại Indonesia đã giảm kể từ khi đạt đỉnh vào ngày 15/7. Các bệnh viện không còn phải từ chối điều trị bệnh nhân đã giảm ở một số khu vực. Dịch vụ Y tế Trung tâm Jakarta cho biết tỷ lệ quá tải tại một số bệnh viện ở Jakarta hiện dưới 30%.
Các hạn chế đối với hoạt động công cộng cũng đang được nới lỏng ở thủ đô. Nhà chức trách đã mở cửa trở lại các trung tâm thương mại, nhà thờ và địa điểm thể thao ngoài trời kể từ giữa tháng 8, tuy nhiên vẫn giới hạn sức chứa tối đa và mọi người phải chứng minh họ đã được tiêm phòng.
Tháng trước, Indonesia đã bắt đầu tiêm chủng cho thanh thiếu niên từ 12 - 18 tuổi. Quốc gia này có chiến dịch tiêm chủng sớm hơn nhiều nước khác ở Đông Nam Á và đã đặt mục tiêu tiêm chủng cho trên 208 triệu trong tổng số 270 triệu dân vào tháng 3/2022. Cho đến nay, các nhà chức trách mới chỉ tiêm chủng đầy đủ cho 35,3 triệu người và 26,9 triệu người đã được tiêm 1 mũi..