Theo đó, Chính phủ Indonesia bày tỏ rất lo ngại về những căng thẳng ở Myanmar, đề nghị lực lượng an ninh Myanmar không sử dụng bạo lực và kiềm chế để tránh thêm thương vong, cũng như ngăn chặn tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Tuyên bố của Indonesia được đưa ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối chính biến tại Myanmar vẫn tiếp diễn, kéo theo đụng độ gây thương vong. Theo một số nguồn tin, đụng độ giữa cảnh sát với người biểu tình ở Myanmar trong ngày 28/2 đã khiến ít nhất 18 người đã thiệt mạng và trên 30 người bị thương. Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đều lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình hình tại Myanmar và yêu cầu chấm dứt bạo lực tại quốc gia này.
Myanmar rơi vào bế tắc chính trị kể từ ngày 1/2 sau khi quân đội bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng và bang và các thành viên cấp cao của đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD). Quân đội Myanmar cho rằng có nhiều gian lận trong cuộc bầu cử gần đây, cho dù Ủy ban bầu cử liên bang Myanmar bác bỏ cáo buộc này. Quân đội Myanmar cam kết sẽ tổ chức bầu cử và chuyển giao quyền lực, đồng thời phủ nhận việc tiến hành đảo chính, cũng như cáo buộc làn sóng biểu tình trong nước hiện nay có hành vi bạo lực.
Đầu tháng 2 vừa qua, ASEAN đã lên tiếng kêu gọi Myanmar theo đuổi "đối thoại, hòa giải và quay lại tình trạng bình thường" sau khi quân đội Myanmar tiến hành cuộc chính biến và lên nắm quyền ở nước này. Tuyên bố của ASEAN nêu rõ "Chúng tôi nhắc lại rằng sự ổn định chính trị tại các nước thành viên ASEAN là cần thiết đối với việc đạt được một cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng".
Đại hội đồng LHQ hôm 26/2 cũng đã tổ chức phiên họp không chính thức thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Myanmar dưới sự chủ trì của Chủ tịch Volkan Bozkir.
Tại phiên họp, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý nhấn mạnh những diễn biến hiện nay ở Myanmar có hại cho sự ổn định, phát triển và lợi ích chính đáng của người dân nước này. Do đó, ông kêu gọi các bên ở Myanmar kiềm chế, tránh làm gia tăng căng thẳng và tiến hành đối thoại hướng tới giải pháp thỏa đáng, phù hợp với Hiến pháp, luật pháp cũng như nguyện vọng và ý chí của người dân.
Cũng theo Đại sứ Đặng Đình Quý, cộng đồng quốc tế cần hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình chuyển đổi dân chủ ở Myanmar; tôn trọng nguyên tắc độc lập, chủ quyền quốc gia và không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước; đồng thời bảo đảm sự an toàn, tiếp cận nhân đạo và các dịch vụ thiết yếu cho người dân Myanmar, nhất là những người dễ bị tổn thương.
Riêng với Việt Nam, Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh Việt Nam mong muốn Myanmar sớm ổn định, vì sự phát triển của chính Myanmar cũng như hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực và quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Việt Nam ủng hộ nỗ lực và vai trò trung gian của Đặc phái viên Burgener, khuyến khích bà Burgener phối hợp với ASEAN trong việc ổn định tình hình ở Myanmar.