Indonesia lên kế hoạch tiêm đại trà vaccine ngừa COVID-19 vào tháng 1/2021

Ngày 31/8, Tổng thống Joko Widodo đã công bố mốc thời gian mới cho kế hoạch tiêm chủng ngừa COVID-19 đại trà và cho biết hàng triệu người dân nước này có thể được tiêm vaccine vào tháng 1/2021.

Chú thích ảnh
Theo Tổng thống Indonesia, 170 triệu người dân nước này sẽ được tiêm phòng COVID-19. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu với lãnh đạo các cơ quan báo chí quốc gia, Tổng thống Joko Widodo thông báo rằng Indonesia đã nhận được cam kết từ Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) về việc cung cấp 30 triệu liều vaccine COVID-19 trong đợt đầu vào tháng 11 tới. Ông nhấn mạnh tổng cộng 170 triệu người Indonesia sẽ được tiêm phòng COVID-19. Với hai liều cho mỗi người, tổng nhu cầu vaccine của cả nước là 340 triệu liều.

Loại vaccine này do Sinovac Biotech - công ty của Trung Quốc có thỏa thuận sản xuất chung với hãng dược phẩm nhà nước Bio Farma của Indonesia - phát triển và đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại thành phố Bandung, tỉnh Tây Java, với sự tham gia của trên 1.600 tình nguyện viên. Ngoài ra, một loại vaccine khác do công ty G42 của UAE phát triển với sự hợp tác của hãng Sinopharm của Trung Quốc. Chính phủ Indonesia sẽ nhập khẩu nguyên liệu thô từ Trung Quốc và UAE để hãng dược Bio Farma sản xuất vaccine ở trong nước với sản lượng mục tiêu là 290 triệu liều.

Tổng thống Joko Widodo cũng cho hay sẽ cần một năm để hoàn tất chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 đại trà hoàn toàn do chính phủ tài trợ. Chương trình này sẽ được triển khai tại các trung tâm y tế và bệnh viện công lập trên cả nước. Tuy nhiên, những người muốn tiêm vaccine sớm hơn lịch trình sẽ phải trả tiền.

Ngoài vaccine nhập khẩu, Indonesia cũng đang phát triển một loại vaccine riêng có tên "Merah Putih" (đỏ và trắng - màu quốc kỳ của Indonesia). Tham gia dự án này có nhiều cơ quan như Viện Sinh học phân tử Eijkman, Bộ Nghiên cứu và công nghệ, Cơ quan Đánh giá và ứng dụng công nghệ, và Viện Khoa học Indonesia (LIPI).

Trước đó, Chính phủ Indonesia cho biết kế hoạch trên có thể sẽ được triển khai sớm nhất vào tháng 2 năm sau.

* Cùng ngày,  Chính phủ liên bang Canada thông báo Ottawa đã ký thỏa thuận mua các vaccine phòng COVID-19 do hai tập đoàn của Mỹ là Novavax và Johnson & Johnson phát triển, với số lượng tương ứng tối đa có thể là 76 triệu liều và 38 triệu liều.

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, tính đến thời điểm này, Canada đã ký thỏa thuận với 4 công ty công nghệ sinh học và dược phẩm Mỹ. Trước đó, đầu tháng này, Ottawa thông báo đã đạt được thỏa thuận mua vaccine của hai hãng dược Mỹ là Moderna Inc. (tối đa 56 triệu liều) và Pfizer Inc. (tối thiểu là 20 triệu liều).

Bộ trưởng phụ trách mua sắm và dịch vụ công của Canada Anita Anand cho biết chiến lược của Canada là đạt được thỏa thuận với nhiều công ty đang phát triển vaccine để người dân nước này nhanh chóng được tiếp cận vaccine khi việc thử nghiệm lâm sàng tiến triển tốt. Bà nhấn mạnh tất cả các loại vaccine phải cho thấy thành công trong quá trình thử nghiệm lâm sàng và phải được Cơ quan Y tế Canada cấp phép trước khi đến với người dân Canada. Bộ trưởng Anita Anand cho biết Chính phủ Canada sẽ tiếp tục tìm kiếm thỏa thuận với các nhà cung cấp khác, trong đó có AstraZeneca (Anh).

Dự kiến, sang mùa thu này, vaccine phòng COVID-19 của Johnson & Johnson và Novavax sẽ bước vào giai đoạn 3 của quá trình thử nghiệm lâm sàng.  Tại Canada, số ca nhiễm mới trong tuần trước đã tăng 16% so với tuần trước đó, lên 3.303 người. Hiện Canada đã ghi nhận 128.948 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 9.126 ca tử vong. 

* Còn tại Brazil, quốc gia đứng thứ hai thế giới về số ca nhiễm và tử vong do COVID-19, Tổng thống nước này, ông Jair Bolsonaro, cho hay việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ không bắt buộc đối với người dân.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Chính phủ Brazil hồi đầu tháng 8 thông báo ngân sách 1,9 tỷ real (tương đương 346 triệu USD) để mua 100 liều vaccine do Đại học Oxford và  AstraZeneca PLC sản xuất và dành cho việc sản xuất loại vaccine này tại Brazil. Ngoài ra, chính quyền bang Sao Paulo cũng đang hợp tác với công ty công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc để cùng nghiên cứu một vaccine ngừa COVID-19.

Chính phủ Brazil kỳ vọng bắt đầu từ năm 2021 có thể phân phối cả hai loại vaccine này.

Trong những tháng gần đây, Brazil đã trở thành một điểm nóng dịch bệnh COVID-19 trên thế giới với tổng số bệnh nhân lên tới trên 3,9 triệu người, trong đó 121.000 người đã tử vong.

Hữu Chiến - Hương Giang - Thanh Hương (TTXVN)
Philippines và Indonesia ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2
Philippines và Indonesia ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục lây lan tại một số nước Đông Nam Á. Tại Indonesia, số ca mắc tăng thêm 2.858 ca trong 24 giờ qua, lên 172.053 ca.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN