Phát biểu sau cuộc họp của Nhóm công tác về Tầm nhìn Cộng đồng Kinh tế ASEAN sau năm 2025 tại Indonesia, bà Netty Muharni nhấn mạnh: “Chúng ta cần thời gian và nguồn lực cân bằng để thực hiện nhiệm vụ này và đạt được mục tiêu”.
Bà Muharni cho rằng cần điều chỉnh kế hoạch công tác đã được chuẩn bị trước đó để đảm bảo rằng Tầm nhìn có thể được nhất trí thông qua vào năm 2025. Hiện văn kiện này đang được Nhóm công tác cấp cao về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 (HLTF-ACV) soạn thảo.
Theo bà Muharni, nhóm công tác đã thảo luận 5 chương trình nghị sự quan trọng, trong đó có kế hoạch công tác nhằm chuẩn bị Tầm nhìn, và kế hoạch công tác thu thập thông tin đầu vào cho một cuộc khảo sát nhằm đảm bảo rằng Tầm nhìn ASEAN phản ánh nhu cầu và mang tính bao trùm.
Chương trình nghị sự thứ 3 tập trung thảo luận với các ngành liên quan về các chủ đề cụ thể. Mục tiêu chính của cuộc thảo luận này là thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, học giả, tổ chức quốc tế, người dân và dự kiến được tổ chức toàn quốc tại từng quốc gia thành viên ASEAN.
Chương trình nghị sự thứ 4 là triển khai Nghiên cứu ASEAN sau năm 2025 nhằm đánh giá các vấn đề và xu hướng lớn, cũng như các lĩnh vực tiềm năng mới cần đưa vào trụ cột Cộng đồng Kinh tế ASEAN, từ đó đưa ra các khuyến nghị để tăng cường hiệu quả xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025.
Theo bà Muharni, chương trình nghị sự cuối cùng của cuộc họp nhóm công tác là cơ chế điều phối trong trụ cột kinh tế, liên quan đến việc đơn giản hóa các quy trình hỗ trợ chuẩn bị cho Tầm nhìn Cộng đồng Kinh tế ASEAN sau năm 2025.
Cuộc họp cũng thảo luận về công tác chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Nhóm đặc trách cấp cao về hội nhập kinh tế ASEAN và HLTF-ACV. Dự kiến, cuộc gặp này sẽ tập trung vào các cơ chế phối hợp, hỗ trợ chuẩn bị cho Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025 dựa trên 3 trụ cột.
Theo kế hoạch, Nhóm công tác về Tầm nhìn Cộng đồng Kinh tế ASEAN sau năm 2025 sẽ tiếp tục họp vào ngày 23-24/2/2024 tại Viêng Chăn (Lào).