Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu tại một hội thảo trực tuyến, Bộ trưởng Budi cho biết hầu hết đại dịch có đặc điểm chung là kéo dài, ngắn nhất là 5 năm, thông thường là trên 10 năm, thậm chí hàng trăm năm như bệnh đậu mùa và bại liệt. Tuy nhiên, ông Budi dự báo rằng vẫn có khả năng đại dịch COVID-19 sẽ trở thành một loại bệnh đặc hữu nếu chính phủ và người dân hợp tác thực hiện một số chiến lược như tăng cường xét nghiệm, truy vết và điều trị (3T).
Cùng với việc tăng tốc tiêm chủng vaccine cho 70% dân số, người dân cần duy trì kỷ luật trong việc thực hiện quy định y tế 3M (đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và duy trì khoảng cách). Ông Budi khẳng định rằng đại dịch COVID-19 tại Indonesia có thể trở thành bệnh đặc hữu vào năm 2022 nếu người dân và chính phủ có thể ứng phó với đợt bùng phát tiềm ẩn sau kỳ nghỉ lể Giáng sinh và Năm mới sắp tới.
Người đứng đầu ngành y tế Indonesia nhấn mạnh: “Nếu chúng ta có thể đảm bảo kiểm soát tốt dịch bệnh trong tháng 12, chúng ta sẽ an toàn vào tháng 1 - 2/2022. Chúng ta có thể sống chung với virus này, mong muốn biến đại dịch thành bệnh đặc hữu có thể thực hiện được vào năm tới”.
Tính đến ngày 6/10, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 4.221.610 ca mắc COVID-19, trong đó 142.338 ca tử vong và 29.823 bệnh nhân hiện điều trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly tại nhà. Theo Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Chính phủ Indonesia, số ca mắc mới đã giảm mạnh trong 11 tuần qua. Một số bệnh viện địa phương tuyên bố hiện không còn bệnh nhân COVID-19.
Tuy vậy, Chính phủ và một số nhà dịch tễ học cảnh báo cần cảnh giác với đợt bùng phát thứ ba có thể xảy ra sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới sắp tới, nhất là khi virus tiếp tục đột biến ngày càng nguy hiểm hơn.