Sản lượng vaccine ngừa COVID-19 của các hãng dược phẩm trên thế giới vẫn còn hạn chế dẫn tới việc chậm chễ trong khâu đảm bảo thời gian giao hàng theo các hợp đồng ký kết. Do vậy, theo UNESCO, phải đến năm 2022 Mỹ Latinh mới có thể hoàn thành tiêm chủng cho 70% dân số.
Báo cáo cho biết nhu cầu dự kiến đối với vaccine COVID-19 cho năm 2021 là gần 11,5 tỷ liều, chỉ để đáp ứng 75% dân số thế giới và đạt được miễn dịch cộng đồng. Nhưng các công ty dược phẩm đã tuyên bố rằng họ sẽ chỉ có thể sản xuất khoảng 9,5 tỷ USD, ít hơn 18% so với yêu cầu. Một nghiên cứu gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ ra rằng đến cuối năm nay, ngành dược phẩm sẽ chỉ sản xuất được 6 tỷ liều, ít hơn 48% so với dự kiến.
Thêm vào đó là vấn đề tiếp cận bất bình đẳng đối với vaccine ngừa COVID-19 trên thế giới. Các dự báo chỉ ra rằng ngay cả các quốc gia có tiến độ tiêm chủng nhanh tại khu vực Mỹ Latinh như Mexico, Brazil, Argentina, Colombia và Peru cũng sẽ không đạt được tiêm chủng với phác đồ hoàn chỉnh cho 70% dân số trước cuối năm 2021, ngưỡng chủng ngừa để đạt được miễn dịch cộng đồng.
Để vượt qua đại dịch, báo cáo chỉ ra rằng khu vực cần không phụ thuộc vào nguồn cung cấp vaccine bên ngoài và điều đó sẽ chỉ có thể thực hiện được nếu các quốc gia hợp tác hỗ trợ các dự án phát triển vaccine, tạo ra các chiến lược trao đổi về kinh nghiệm và hỗ trợ công nghệ và hình thành các liên minh cung cấp vaccine trong khu vực. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định một số trở ngại đối với việc đẩy nhanh quá trình sản xuất hàng loạt vaccine ở Mỹ Latinh và Caribe, bao gồm thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu nguyên liệu thô, hạn chế xuất khẩu và quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine.
Cũng theo báo cáo của UNESCO, trong cuộc chạy đua để có vaccine ngừa COVID-19, Argentina, Brazil và Mexico là những nhà sản xuất một phần hoặc toàn bộ một số sinh phẩm ngừa virus SARS-CoV-2, nhưng không đủ cho nhu cầu hiện tại. Argentina và Mexico đã ký thỏa thuận hợp tác với Oxford-AstraZeneca để xản xuất vaccine, mục tiêu dự kiến là sản xuất 250 triệu liều để cung cấp cho khu vực. Bên cạnh đó, ngoài việc tham gia sản xuất vaccine AstraZeneca cùng với Argentina, Mexico cũng hợp tác với Nga để sản xuất vaccine Sputnik V, kể từ tháng 6/2021.
Đồng thời, một số quốc gia, gồm Brazil, Cuba, Mexico, Argentina, Chile và Colombia, đang nỗ lực nghiên cứu và phát triển vaccine ngừa COVID-19 riêng. Tuy nhiên, UNESCO khuyến cáo các quốc gia trong khu vực cần chung sức, tăng cường hợp tác, chia sẻ công nghệ, chuyển giao kiến thức, thực hiện các thỏa thuận cung cấp chung, nhằm nâng cao năng lực và hình thành các liên minh để tối ưu hóa sản xuất trong khu vực bị bị đánh giá là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19.
Khu vực Mỹ Latinh và Caribe hiện ghi nhận trên 45 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó có gần 1,5 triệu ca tử vong.