Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, thông tin trên được công bố tại cuộc họp báo mới đây. Bộ trưởng Bộ Cải cách hành chính và quan liêu Abdullah Azwar cho biết Chính phủ đã bắt đầu thảo luận kế hoạch chi tiết về việc di chuyển nói trên. Trước mắt, Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện khu nhà ở tạm thời cho hơn 1.000 quan chức đến Nusantara sớm nhất vào tháng 7 tới, để chuẩn lễ kỷ niệm Ngày Độc lập lần thứ 79 (17/8/1945-17/8/2024).
Theo Bộ trưởng Abdullah, chính phủ cũng đang xem xét điều chỉnh một số điểm trong kế hoạch này. Theo đó, các cán bộ, công chức sẽ được điều động ở lại xen kẽ theo quy trình do đơn vị chủ quản lên kế hoạch và lựa chọn, thay vì kế hoạch di chuyển toàn bộ như ban đầu.
Đợt chuyển thứ nhất sẽ diễn vào tháng 9 tới với 11.900 cán bộ, công chức và một số quan chức cấp cao từ 38 bộ và cơ quan trực thuộc trung ương, thay vì toàn bộ nhân viên của 10 bộ như kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, số lượng cán bộ công chức sẽ tiếp tục được điều chỉnh dựa trên khả năng cung cấp nhà ở cũng như cơ sở hạ tầng khác. Trong khi đó, dự kiến đợt chuyển thứ 2 và thứ 3 sẽ lần lượt được thực hiện với khoảng 6.000 và 14.000 nhân viên, với thời gian chưa xác định cụ thể.
Theo dữ liệu năm 2023 của Cơ quan Dịch vụ Dân sự Quốc gia Indonesia (BKN), Indonesia đang có khoảng 932.000 công chức và 21.000 lao động hợp đồng, trong đó 20% làm việc tại Jakarta.
Mỗi bộ ban ngành có quyền quyết định ai sẽ chuyển đến Nusantara làm việc, song chính phủ sẽ có các ưu đãi với những cán bộ công chức di dời trong lượt đầu vào tháng 9 như thăng chức, bổ sung phúc lợi… Chính phủ đang tiếp tục thảo luận chi tiết về các ưu đãi.
Thủ đô mới Nusantara của Indonesia có diện tích 256.000 ha, với chi phí xây dựng phát triển gần 35 tỷ USD. Đây là siêu dự án mang dấu ấn của Tổng thống đương nhiệm Indonesia Joko Widodo - người sẽ kết thúc nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 10 tới.
Dự kiến, ông Joko Widodo sẽ sớm ban hành sắc lệnh tổng thống để chính thức chuyển giao quyền quản lý hành chính theo quy chế thủ đô quốc gia từ Jakarta sang Nusantara. Trước đó, Chính phủ Indonesia đã thông qua Luật đặc khu Jakarta, đưa Jakarta từ "tỉnh đặc khu thủ đô Jakarta" trở thành "tỉnh đặc khu Jakarta", đặt tiền đề cho công cuộc chuyển giao này.