Trong tuyên bố kết thúc đối thoại bàn tròn "1+6" lần thứ 6 với những người đứng đầu các tổ chức kinh tế quốc tế lớn, diễn ra theo hình thức trực tuyến và do Trung Quốc tổ chức ngày 6/12, Tổng Giám đốc Georgieva nhấn mạnh: "Nền kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi, nhưng phải đối mặt với nhiều rủi ro, trong đó có diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trong bối cảnh nhiều biến thể mới xuất hiện và nguy cơ lạm phát gia tăng." Để giải quyết những thách thức trên, người đứng đầu IMF cho rằng các nước cần thực thi hành động chính sách khẩn cấp để kiểm soát đại dịch, hạn chế tác động tiêu cực và chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, bà nhấn mạnh 4 lĩnh vực hợp tác toàn cầu, gồm khẩn trương hành động để đạt mục tiêu của IMF về tỷ lệ bao phủ tiêm chủng 40% dân số ở mỗi quốc gia vào cuối năm nay và 70% dân số vào giữa năm 2022; hợp tác để giảm căng thẳng thương mại và củng cố hệ thống thương mại đa phương; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang trung hòa carbon và hỗ trợ các nỗ lực thích ứng với khí hậu; hỗ trợ quá trình phục hồi của các nền kinh tế đang phát triển.
Đánh giá về nền kinh tế Trung Quốc, người đứng đầu IMF cho biết nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã ghi nhận phục hồi sau những tác động của dịch COVID-19, song động lực tăng trưởng của nước này "đang chậm lại đáng kể". Do Trung Quốc là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, do đó, cần có những hành động mạnh mẽ để hỗ trợ tăng trưởng chất lượng cao. Bà Georgieva nhấn mạnh điều này mang lại lợi ích không chỉ cho Trung Quốc mà còn cho thế giới.
Tháng 10 vừa qua, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc, cho rằng tăng trưởng kinh tế của nước này có thể đạt 8% trong năm 2021 và 5,6% trong năm 2022. Các nhà phân tích cũng cảnh báo Trung Quốc đang phải đối mặt với thị trường bất động sản yếu kém, các cú sốc do giá than tăng cao và thiếu hụt nguồn cung.