IMF: Các nước có thể cắt dự trữ USD sau tiền lệ phong toả với Nga

Tỷ trọng của đồng bạc xanh trong rổ tiền tệ toàn cầu có thể giảm khi các nước cảnh giác với tiền lệ phong toả dự trữ ngoại tệ Nga.

Chú thích ảnh
Các nền kinh tế trên toàn cầu có thể cân nhắc lại mức độ an toàn khi dựa vào dự trữ USD.  Ảnh: CFR

Theo đài RT (Nga), Phó Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Gita Gopinath, cho biết các nền kinh tế toàn cầu sẽ cân nhắc lại mức độ an toàn khi dựa vào đồng đô-la Mỹ trong kho dự trữ ngoại tệ của mình.

Tuyên bố của bà Gopinath được đưa ra sau khi một nửa số tiền dự trữ ngoại hối của Nga đã bị đóng băng bởi các tổ chức tài chính quốc tế trong bối cảnh các lệnh trừng phạt được áp đặt lên Moskva liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Bà Gopinath nói trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Foreign Policy: “Chúng ta có thể sẽ chứng kiến một số quốc gia sẽ xem xét lại mức độ nắm giữ một số loại tiền tệ nhất định trong kho dự trữ”.

Bà Gopinath cho biết IMF coi "sự phân mảnh ngày càng tăng" trong các hệ thống thanh toán toàn cầu là một trong những hậu quả của các sự kiện hiện tại. Tuy nhiên, quan chức IMF tuyên bố rằng đồng đô-la Mỹ, theo truyền thống được coi là đồng tiền dự trữ thế giới, không có khả năng hứng chịu “cái chết sắp xảy ra”. Tuy nhiên, tùy thuộc vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine kéo dài bao lâu, có thể có những tác động lớn hơn – bà Gopinath nhận định.

Đề cập đến viễn cảnh Nga vỡ nợ chính phủ, nữ quan chức cấp cao IMF cho biết tác động tiềm tàng của một kịch bản như vậy đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ hạn chế và không gây ra “rủi ro hệ thống”, bởi vì “những con số mà chúng ta đang xem xét là tương đối nhỏ so với bình diện toàn cầu”. Trái lại, đối với Nga, một vụ vỡ nợ sẽ có hậu quả lâu dài - bà Gopinath nói thêm. “Khi bạn đã vỡ nợ, việc tham gia lại vào thị trường không phải là điều dễ dàng. Và điều đó có thể mất nhiều thời gian”.

Các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga trong tháng qua đã cắt đứt mối quan hệ của nước này với hệ thống tài chính phương Tây, cản trở hầu hết các giao dịch ngoại trừ các hoạt động trả nợ và mua dầu, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

Các biện pháp trừng phạt cũng đóng băng khoảng 300 tỷ USD mà Nga đang nắm giữ trong kho dự trữ ngoại tệ ở nước ngoài. Các cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế vào đầu tháng này đã hạ xếp hạng của Nga xuống mức tiền vỡ nợ, dự đoán rằng Moskva sẽ không thể thực hiện các nghĩa vụ của mình đối với các chủ nợ nước ngoài. Nhưng đến nay, Nga đã ngăn chặn tình trạng vỡ nợ, trả lãi 117 triệu USD cho hai loại trái phiếu mệnh giá USD vào tuần trước. Các báo cáo truyền thông cũng nói rằng Nga đã thực hiện thanh toán một khoản nợ 66 triệu USD khác bằng đô-la Mỹ vào ngày 22/3.

Moskva đã nhiều lần tuyên bố họ hoàn toàn có khả năng trả nợ và thậm chí có thể thực hiện chuyển tiền bằng đồng nội tệ ruble nếu không còn lựa chọn nào khác.

Tuy nhiên, theo công ty Moody's Investors Services, Nga vẫn có nguy cơ bị lỡ thanh toán, vì việc miễn trừ các lệnh trừng phạt đối với các hoạt động nợ của Nga sẽ hết hạn vào ngày 25/5, trong khi Moskva có các khoản thanh toán trị giá 100 triệu USD đến hạn vào ngày 27/5. Moody's cho biết, sau ngày đó các chủ nợ của Nga “sẽ yêu cầu một giấy phép cụ thể để tiếp tục nhận tiền trả nợ, điều này sẽ làm giảm thêm khả năng nhận lại tiền của các nhà đầu tư”.

Nga cáo buộc Mỹ và các đồng minh tìm cách tạo ra một vụ “vỡ nợ nhân tạo” vì nước này có tiền để trả nợ nhưng bị ngăn cản. Moskva nói rằng chính các tổ chức tài chính phương Tây đang rơi vào tình trạng vỡ nợ, bởi vì bằng cách đóng băng tài sản của nước Nga, họ đang thất bại trong việc thực hiện các nghĩa vụ của mình.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo RT)
Mỹ tìm cách đóng băng dự trữ vàng của Nga?
Mỹ tìm cách đóng băng dự trữ vàng của Nga?

Bộ Tài chính Mỹ được cho là đang hợp tác với Thượng viện về một dự luật ngăn cản bất cứ giao dịch nào từ kho dự trữ vàng 132 tỷ USD của Nga với một bên thứ ba.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN