Giám đốc khu vực của ILO Vinícius Pinheiro đánh giá hậu quả thảm khốc nhất của dịch COVID-19 là sự bất bình đẳng do hậu quả kinh tế và xã hội của dịch bệnh tác động mạnh tới những đối tượng và tầng lớp dễ bị tổn thương nhất như người bản địa và cộng đồng thổ dân. Những đối tượng này ít được xã hội bảo vệ hoặc ít được tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế.
Báo cáo của ILO chỉ ra rằng phần lớn người dân bản địa sống trong điều kiện bấp bênh và làm việc trong điều kiện không chính thức trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất của cuộc khủng hoảng do COVID-19 như dịch vụ, khách sạn và du lịch, đến thương mại, vận tải, sản xuất và xây dựng. Điều này đã dẫn đến việc họ bị mất kế sinh nhai.
Trong khu vực Mỹ Latinh và Caribe, tỷ lệ không chính thức trong số lao động bản địa là 82%, cao hơn gần 30 điểm phần trăm so với 54% dân số nói chung. Mặt khác, 31,7% người dân bản địa làm việc không được đào tạo so với 12,8% lao động không phải là người bản địa và dưới 30% được tiếp cận với giáo dục trung cấp hoặc nâng cao so với 48% của người phi bản địa.
Báo cáo của ILO cũng cảnh báo về các tác động ngày càng nghiêm trọng của sự suy giảm tăng trưởng kinh tế đối với người bản địa ở Mỹ Latinh và Caribe như làm mất thu nhập đáng báo động, mất an ninh lương thực và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đặc biệt là phụ nữ bản địa. Theo báo cáo, việc kinh tế suy giảm đã dẫn đến giảm cơ hội cung cấp việc làm và giảm khả năng của người dân bản địa để có được các sản phẩm cơ bản, trong đó có thực phẩm.
Báo cáo nói trên được ILO đưa trong bối cảnh Ủy ban Nhân quyền Liên Mỹ và Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền mới đây đã cảnh báo về ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19 đối với sự sống còn và quyền lợi của người bản địa trong lưu vực sông Amazon.
Trước tình trạng này, ILO đã khuyến nghị chính phủ các quốc gia trong khu vực đưa ra các chính sách ưu tiên bảo vệ cộng đồng người bản địa và thổ dân về các mặt kinh tế, xã hội, y tế, và cung cấp thông tin kịp thời và đầy đủ về dịch bệnh.
Ngoài ra, ILO cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ và bảo vệ bền vững cho người lao động, người sử dụng lao động và cộng đồng bản địa để ứng phó với cuộc khủng hoảng COVID-19.