IGC, tổ chức bao gồm cả các nước sản xuất và tiêu thụ ngũ cốc lớn, hiện dự đoán niên vụ 2023-2024 sẽ thu được 2,3 tỷ tấn ngũ cốc không tính gạo, tăng nhẹ so với sản lượng của niên vụ 2021-2022.
Trong đó, sản lượng ngô tiếp tục tăng 5,5% lên 1,2 tỷ tấn nhờ diện tích canh tác tại Mỹ tăng và sản lượng của Brazil được dự đoán sẽ cao kỷ lục. Nhu cầu ngô đã tăng 30 triệu tấn trong năm qua, nhưng vẫn nằm trong khả năng đáp ứng của sản lượng.
Ngược lại, sản lượng lúa mỳ được dự đoán ở mức 784 triệu tấn, giảm 2,4% so với niên vụ trước, trong khi lượng tiêu thụ được dự đoán sẽ cao hơn sản lượng đến 20 triệu tấn. Thị trường lúa mỳ còn trở nên căng thẳng hơn, khi báo cáo hàng quý mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy lượng lúa mỳ dự trữ tại các nước xuất khẩu lớn chỉ khoảng 55 triệu tấn, mức thấp nhất 10 năm qua.
Bên cạnh đó, các nguy cơ địa chính trị cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn đến nguồn cung lúa mỳ, khi thỏa thuận ngũ cốc cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen đã hết hiệu lực.
IGC dự đoán sản lượng gạo, loại ngũ cốc được tiêu thụ hàng đầu, sẽ tăng 2,5% lên 527 triệu tấn. Tại châu Á, giới phân tích đang theo dõi hiện tượng thời tiết El Nino, nhưng tác động của hiện tượng này đến gạo hiện được dự đoán là không lớn.
Tuy nhiên, Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đã cấm xuất khẩu gạo trắng không phải giống basmati, loại gạo chiếm khoảng 25% tổng lượng gạo xuất khẩu của nước này.
Theo ông Patricio Mendez del Villar, một chuyên gia kinh tế về gạo tại cơ quan phát triển quốc tế và nghiên cứu nông nghiệp CIRAD của Pháp, dù Thái Lan, Việt Nam và Pakistan có thể bù đắp cho lượng gạo xuất khẩu sụt giảm từ Ấn Độ, động thái trên vẫn có nguy cơ đẩy giá tăng lên, giữa lúc giá gạo thế giới đã tăng 30% so với năm ngoái.
Tuy nhiên, thị trường gạo vẫn có điểm tích cực, khi lượng gạo dự trữ đang ở mức cao, 37% khối lượng tiêu thụ hàng năm, cao hơn mức 25% trong thời kỳ khủng hoảng năm 2008, khi giá gạo tăng hơn gấp bốn lần chỉ trong vài tháng.