Trong báo cáo định kỳ hàng tháng, IEA nói rằng: “Hiện nguy cơ tác động đến nguồn cung dầu vẫn hạn chế, song các cuộc đình công lớn buộc các công ty giao dịch định giá với phần bù rủi ro địa chính trị cao hơn”. Trong bối cảnh cung cầu dầu trên thị trường hiện cân bằng, IEA khẳng định sẵn sàng hành động nếu cần thiết để đảm bảo các thị trường duy trì nguồn cung đầy đủ.
Theo báo cáo, IEA đã điều chỉnh hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ năm 2024 do tình hình kinh tế thế giới khó khăn hơn và hiệu suất năng lượng cải thiện sẽ khiến mức tiêu thụ giảm. Cụ thể, IEA đã hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ năm 2024 từ mức 1 triệu thùng/ngày được đưa ra trước đó xuống 880.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, cơ quan có trụ sở tại Paris nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ năm nay lên 2,3 triệu thùng/ngày, cao hơn so với mức 2,2 triệu được đưa ra trước đó, nhờ nhu cầu tăng tại các nước Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.
Năm 2022, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn gọi là OPEC+, bắt đầu hạn chế nguồn cung dầu để đẩy thúc đẩy giá “vàng đen”. Tháng 9 vừa qua, giá dầu Brent thế giới đã tăng lên mức cao nhất (vượt mốc 90 USD/thùng) trong 10 tháng sau khi Saudi Arabia và Nga tuyên bố gia hạn giảm sản lượng tổng cộng 1,3 triệu thùng dầu/ngày đến cuối năm nay. Tuy nhiên, giá dầu giảm mạnh tuần qua trong bối cảnh triển vọng kinh tế vĩ mô u ám làm gia tăng lo ngại nhu cầu dầu mỏ tăng chậm hơn, lấn át những lo ngại về nguồn cung.
Cũng trong báo cáo trên, IEA cảnh báo nguy cơ châu Âu thiếu dầu diesel vào mùa Đông. Cơ quan này nêu rõ 10 tháng sau khi lệnh cấm vận của EU đối với dầu thô của Nga có hiệu lực, các nhà máy lọc dầu châu Âu vẫn gặp khó khăn trong việc tăng công suất chế biến và sản lượng dầu diesel. Theo IEA, châu Âu sẽ cần duy trì mức nhập khẩu dầu cao, đặc biệt là từ Trung Đông, nhưng các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng vào mùa Đông có nguy cơ hạn chế nguồn cung. IEA cho rằng châu Âu có thể cần một mùa Đông có thời tiết ôn hòa nữa để tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung.