Nguyên nhân chủ yếu là do cầu yếu, trong khi nguồn cung tiếp tục dồi dào với sự trở lại của nhà xuất khẩu Iran sau khi lệnh cấm vận quốc tế nhằm vào Tehran được dỡ bỏ. Trong báo cáo mới cập nhật của mình, IEA đã hạ mức dự báo về cầu dầu mỏ, khi mà tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chững lại. Cùng với đó, Cơ quan này lại nâng dự báo về nguồn cung dồi dào. Những nhà cung cấp ngoài Tổ chức Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có thể sẽ có mức sản lượng giảm 600.000 thùng/ngày trong năm 2016, nhưng khoảng chống đó nhanh chóng được Iran lấp đầy chỉ cần đến thời điểm giữa năm. Tựu chung lại, thị trường thế giới sẽ phải đối mặt với kịch bản dư thừa 1,5 triệu thùng/ngày trong 6 tháng đầu năm 2016.
Các kho chứa dầu hầu như không còn chỗ trống. Ảnh: Edwin.co.uk |
“Khi mà mức độ căng thẳng của các kho dự trữ có thể nhẹ đi vào nửa cuối năm 2016 do nguồn cung từ các nước ngoài OPEC giảm sút, thị trường thế giới vẫn có thể bị nhấn chìm bởi dư cung, trừ khi có diễn biến tạo thay đổi nào đó. Giá có thể sẽ xuống thấp hơn nữa”, IEA nhận định. Trên thị trường, giá dầu Brent biển Bắc tại thị trường London đã xuống dưới ngưỡng 28 USD/thùng trong ngày 18/1, ngay sau khi có tuyên bố các lệnh cấm vận quốc tế nhằm vào Iran được dỡ bỏ. Trước đó một ngày, Saudi Arabia – nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, vẫn phát đi tín hiệu sẽ không thay đổi chiến lược của mình về sản lượng nhằm duy trì thị phần, bất kể là giá dầu đổ dốc.
Iran là nước duy nhất trong OPEC có mức gia tăng sản lượng khai thác trong năm nay. Quốc gia vùng Vịnh này có thể “bổ sung” vào nguồn cung trên thị trường khoảng 300.000 thùng/ngày tính đến hết quý 1 năm 2016 và sẽ tăng lên 600.000 thùng/ngày tại thời điểm cuối quý 2. Dù con số này thấp hơn mức mà Bộ dầu mỏ Iran đưa ra trước đó (1 triệu thùng/ngày), nhưng nó cũng đủ tạo sức ép lớn đối với giá dầu. Trong tháng 12/2015, Iran duy trì sản lượng khai thác 2,91 thùng/ngày, mức cao nhất trong vòng 3 năm rưỡi trở lại đây – IEA cho biết.
Cụ thể, cơ quan này ước đoán, cầu dầu mỏ sẽ chạm ngưỡng thấp nhất trong một năm ở quý 4 năm 2016, từ mức cao nhất trong 5 năm ở quý 3 – thời điểm nhu cầu gia tăng trong mùa đông. Mức tăng tiêu thụ trong năm nay trượt xuống còn 1,2 triệu thùng/ngày, tương ứng giảm 1,3% so với năm 2015 (mức tăng là 1,7 triệu thùng/ngày) và nằm trong tổng cầu là 95,7 triệu thùng/ngày.
Điểm “sáng” đến từ nguồn cung ngoài OPEC. Những nước vốn rất quyết liệt “hút dầu” trong năm 2015 này lần đầu tiên đã có mức giảm sản lượng trong tháng 12/2015. Dự đoán, các nhà sản xuất trong nhóm này sẽ giảm sản lượng 600.000 thùng/ngày trong năm nay và là mức giảm lớn nhất kể từ năm 1992. Sản lượng của OPEC, tổ chức mới có sự gia nhập trở lại của Indonesia, giảm nhẹ 90.000 thùng/ngày, xuống còn 32,28 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2015. Thế nhưng chừng đó vẫn tạo ra mức dư thừa tới 600.000 thùng/ngày so với mức trung bình cần thiết 31,7 triệu thùng/ngày của OPEC trong năm 2016 để giảm sức ép về giá.
Do nguồn cung từ OPEC có khả năng gia tăng và mức tăng tiêu thụ thì chậm lại, các kho chứa toàn cầu có thể tiếp nhận thêm 285 triệu thùng trong năm 2016, sau khi đã chất đầy 1 tỉ thùng trong năm 2015. Khả năng tiếp nhận của các kho trên đất liền gần tới ngưỡng giới hạn, nên việc tích trữ bằng các tàu chở dầu cỡ lớn trên biển có thể sẽ là mảng tạo ra lợi nhuận – IEA nhìn nhận.