Hy Lạp tập trận hải quân, nguy cơ gây căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ

Hy Lạp sắp tiến hành cuộc tập trận hải quân mới với kịch bản chuẩn bị chống lại "hạm đội kẻ thù, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo Athens rằng Ankara sẽ bảo vệ các quyền của mình.

Chú thích ảnh
Một máy bay trực thăng tham gia cuộc tập trận quân sự Hy Lạp - Mỹ ở phía Nam đảo Crete, Hy Lạp, ngày 24/8/2020. Ảnh: AP

Phiên bản tiếng Hy Lạp của kênh truyền hình CNN đưa tin rằng hải quân Hy Lạp sẽ tổ chức cuộc tập trận mang tên “Tia chớp” vào ngày 18/1 tới ở Biển Aegea.

Bản tin cho biết "Tia chớp" là "một phản ứng đối với các hành động khiêu khích của Ankara" và để chứng minh rằng bất kỳ động thái nào của Thổ Nhĩ Kỳ trên vùng biển tranh chấp giữa hai nước đều "nằm dưới sự giám sát của hải quân Hy Lạp".

Theo nguồn tin trên, cuộc tập trận hải quân sẽ có sự tham gia của các tàu khu trục, tàu ngầm, máy bay chiến đấu và các đơn vị tinh nhuệ của quân đội Hy Lạp với các kịch bản bảo vệ các cơ sở năng lượng và giàn khai thác hydrocarbon, cũng như “các cuộc tấn công vào hạm đội của kẻ thù và giành lại các vùng lãnh thổ bị chiếm giữ”.

Ngày 9/1, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar tiếp tục cảnh báo Hy Lạp khi nhắc lại quyết tâm của nước này trong việc bảo vệ các quyền của mình ở Aegea và Đông Địa Trung Hải.

Trong chuyến thăm tới cơ sở chế tạo tàu ngầm ở tỉnh Kocaeli phía Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, ông Akar cho biết “các nhiệm vụ quan trọng, toàn diện” đã được lên kế hoạch cho lực lượng hải quân nước này và "chúng tôi không bao giờ để các quyền của mình bị xâm phạm".

Ông Akar lưu ý Hy Lạp nên rút ra “bài học lịch sử”, đề cập đến điều mà ông gọi là nỗ lực xâm chiếm Anatolia của Hy Lạp với “sự kích động của một số quốc gia” vào năm 1919, trong giai đoạn cuối của Thế chiến thứ nhất. 

Về tuyên bố rằng Hy Lạp đang chuẩn bị mở rộng lãnh hải đối với đảo Crete từ 6 hải lý lên 12 hải lý, ông Akar cho biết Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ không chấp nhận bất kỳ yêu sách nào vượt quá 6 hải lý.

Ankara cho rằng đây là một nỗ lực tương tự từ nhiều năm trước vốn đã vấp phải sự phản đối gay gắt của nước này, và vào năm 1995, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ứng rằng đó sẽ là "một tình huống kích động chiến tranh" nếu Hy Lạp mở rộng lãnh hải.

Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp hiện bất đồng về một số vấn đề, bao gồm các yêu sách về quyền tài phán ở Đông Địa Trung Hải, các tranh chấp chồng lấn về thềm lục địa, ranh giới hàng hải, không phận, năng lượng, tình trạng của các đảo ở Biển Aegea và người di cư.

Mối quan hệ ngày càng xấu đi sau khi ông Erdoğan nói rằng Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis "không còn tồn tại", khi nhà lãnh đạo Hy Lạp vận động hành lang để ngăn chặn việc bán máy bay chiến đấu F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ trong một chuyến thăm Mỹ. Vào tháng 5/2022, ông Erdoğan đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với ông Mitsotakis và tuyên bố đóng cửa tất cả các kênh liên lạc khác giữa hai bên. 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan cũng thường cảnh báo Hy Lạp không nên có hành động khiêu khích trên biển. "Đừng gây rối với chúng tôi. Chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết nếu Hy Lạp tiếp tục hành động khiêu khích", ông Erdoğan nói trong một sự kiện vào tháng trước, đề cập đến việc các máy bay Hy Lạp tìm cách can thiệp vào một nhiệm vụ huấn luyện của NATO được tiến hành trong không phận quốc tế trên Biển Aegea.

Bên cạnh đó, Ankara cũng thường xuyên cáo buộc Athens quân sự hóa các đảo của Hy Lạp ở Biển Aegea và đặt câu hỏi về chủ quyền của Hy Lạp đối với các đảo này.  

Công Thuận/Báo Tin tức (Dailysabah.com)
Lý do Nga ngần ngại đưa chiến đấu cơ tàng hình tiên tiến nhất Su-57 Felon tham chiến ở Ukraine
Lý do Nga ngần ngại đưa chiến đấu cơ tàng hình tiên tiến nhất Su-57 Felon tham chiến ở Ukraine

Bộ Quốc phòng Anh đánh giá kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, Moskva ngần ngại sử dụng một số chiến đấu cơ tiên tiến, bao gồm Su-57.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN