Hy Lạp khuyến cáo Mỹ về việc cung cấp thiết bị quân sự

Thủ tướng Hy Lạp kêu gọi Quốc hội Mỹ không nên bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis phát biểu trước Quốc hội Mỹ. Ảnh: Ahvalnews.com

Theo trang tin Ahvalnews.com (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 18/5, trước sức ép của Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ trong việc mở rộng thỏa thuận chuyển giao máy bay chiến đấu F-16, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cảnh báo rằng Washington nên lưu ý đến hậu quả của những quyết định như vậy.

Phát biểu trước Quốc hội Mỹ, ông Mitsotakis nói: “Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn, tôi kêu gọi các bạn tính đến nguy cơ bất ổn ở sườn Đông Nam của NATO khi đưa ra quyết định về việc cung cấp thiết bị quân sự trong khu vực".

Nhân chuyến thăm Mỹ diễn ra từ đầu tuần này, ông Mitsotakis cũng đã nhấn mạnh quan điểm trên trong các cuộc gặp riêng với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, cũng như các nhà lãnh đạo của các ủy ban đối ngoại trong Quốc hội Mỹ, nhằm ngăn chặn việc chuyển giao vũ khí.

Ông Mitsotakis lưu ý thêm rằng "Hy Lạp sẽ không chấp nhận các hành động gây hấn công khai vi phạm chủ quyền và quyền lãnh thổ của chúng tôi”, ám chỉ đến việc Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập không phận Hy Lạp gần đây.

Hai nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đang bất đồng về một loạt các vấn đề lịch sử, trong đó có tranh chấp lãnh thổ ở biển Aegean và Địa Trung Hải. Ông Mitsotakis cho biết các hành động gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ trên các đảo của Hy Lạp ở Aegean phải dừng lại ngay lập tức.

Các tranh chấp về lãnh thổ nguy cơ dẫn đến cuộc đụng độ quân sự trực tiếp, gần đây nhất là vào năm 2020, khi các tàu chiến Hy Lạp tiến gần một tàu khảo sát hydrocarbon của Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm kiếm khí đốt tự nhiên ngoài khơi một hòn đảo của Hy Lạp ở Địa Trung Hải.

Căng thẳng quân sự đã gia tăng trở lại trong hai tháng qua sau khi hai nước láng giềng cáo buộc xâm phạm không phận của nhau và Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các cuộc tập trận quân sự gần các đảo của Hy Lạp.

Về thương vụ vũ khí, tháng 10 năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã đăng ký mua 40 máy bay chiến đấu F-16 và khoảng 80 thiết bị hiện đại hóa cho F-16 của họ từ tập đoàn Lockheed Martin. Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra yêu cầu này sau khi Washington áp đặt các lệnh trừng phạt đối với cơ quan mua sắm quốc phòng và trục xuất cơ quan này khỏi chương trình phát triển và mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35 vì đã mua tên lửa phòng không S-400 từ Nga vào năm 2019.

Vào ngày 17/3 vừa qua, Chính phủ Mỹ đã gửi một lá thư tới Quốc hội nói rằng việc mua F-16 và các thiết bị hiện đại hóa sẽ phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ và phục vụ sự thống nhất lâu dài của NATO. 

Ý định của Quốc hội Mỹ về vấn đề này hiện vẫn chưa rõ ràng, tuy nhiên, Washington đã nhiều lần cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng nếu Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga hoặc Trung Quốc. 

Theo trang tin châu Âu Euractiv.com, cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia duy nhất công khai phản đối ý định gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển. Các nhà phân tích ở Brussels cho rằng Ankara muốn sử dụng quyền phủ quyết tạm thời của mình đối với tư cách thành viên NATO của hai quốc gia Bắc Âu nhằm thu lợi ích từ Mỹ liên quan đến việc mua thiết bị quân sự. 

Công Thuận/Báo Tin tức
Đằng sau động thái Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO
Đằng sau động thái Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết ông sẽ không cho phép Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Nguyên nhân là do lập trường của các nước này với các tay súng người Kurd.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN