Hy Lạp - 'Cửa ngõ năng lượng' của EU trong xung đột Ukraine

Khi châu Âu nỗ lực từ bỏ nguồn cung năng lượng Nga, Hy Lạp đang trở thành “cửa ngõ” khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) của nhiều quốc gia trong khu vực vì địa hình đắc địa.

Chú thích ảnh
Hy Lạp chuẩn bị hoàn thành quá trình xây dựng đường ống dẫn khí đến Bulgaria. Ảnh: AFP

Theo trang Al Jazeera, Hy Lạp sắp hoàn tất quá trình xây dựng đường ống dẫn khí đến Bulgaria, nhằm giúp nước này và cả đông nam châu Âu chấm dứt tình trạng phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga. Giờ đây, Hy Lạp chính là nơi Liên minh châu Âu (EU) đang vẽ lại bản đồ năng lượng khu vực để cắt giảm sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Moskva.

Nga cung cấp 90% lượng khí đốt của Bulgaria. Tuy nhiên, vào hôm 27/4, Nga đã tuyên bố ngắt nguồn cung khí đốt đến Bulgaria sau khi nước này không nhận được khoản thanh toán bằng đồng rúp từ Sofia cho các hợp đồng mua khí đốt. Ba Lan cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Trước động thái của Nga, Bulgria đang tập trung đến hệ thống kết nối khí đốt Hy Lạp-Bulgaria (IGB). Tuyến đường ống mới này chạy từ thành phố Komotini ở đông bắc Hy Lạp tới Stara Zagora, ở miền Trung Bulgaria, cho phép Bulgaria tiếp cận các cảng nhập khẩu LNG ở nước láng giềng Hy Lạp. Hệ thống này cũng kết nối với đường ống Trans Adriatic đưa khí đốt từ Azerbaijan tới châu Âu.

Ông Michalis Mathioulakis, Giám đốc Diễn đàn Năng lượng Hy Lạp, một tổ chức tư vấn, cho biết: “Kể từ vài ngày trước, Bulgaria đã thoát khỏi hệ thống đường ống khí đốt của Nga và hoàn toàn phụ thuộc vào Hy Lạp về khí đốt. Điều này chưa từng xảy ra trước đây. Hy Lạp chưa bao giờ chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia khác”.

Tuy nhiên, điều mang lại tầm quan trọng chiến lược cho IGB đó là hệ thống dẫn khí này có thể sớm trở thành phương tiện giúp thay thế khí đốt của Nga trên khắp vùng Balkan, với nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ, Qatar, Ai Cập và nhiều nơi khác.

Chú thích ảnh
Các công nhân đang lắp đặt một đường ống khí đốt tại thị trấn Komotini, phía Bắc Hy Lạp. Ảnh: AP

Vào hôm 31/1, một tập đoàn gồm các công ty Hy Lạp, Cyprus, Bulgaria và Italy đã thông báo rằng họ sẽ xây dựng một trạm nhập khẩu LNG ngoài khơi cảng Alexandroupolis, phía bắc Hy Lạp. Trạm nhập khẩu này và đơn vị tái tạo khí (FSRU), sẽ tái hoá khí hóa lỏng, kết nối với hệ thống IGB và bắt đầu hoạt vào cuối năm sau.

“Tôi tin chắc rằng chúng ta đang chứng kiến một bình minh mới trong nền độc lập năng lượng của Châu Âu,” Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel cho biết tại buổi lễ ở Alexandroupolis hôm 3/5.

Dự án này đã thu hút sự chú ý cả ở bên ngoài lãnh thổ Bulgaria. Bắc Macedonia cũng đang muốn trở thành cổ đông của FSRU. Ngoài ra, khi nguồn cung khí đốt từ Moskva đang bị ảnh hưởng bởi xung đột Ukraine, ngay cả Serbia – quốc gia thân thiện với Nga - cũng bị dự án này thu hút.

Ông Mike Myrianthis, nhà phân tích và chuyên gia kỳ cựu trong ngành dầu mỏ, nói với Al Jazeera: “Đông Nam Âu sẽ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt từ Hy Lạp. Vì vậy dấu ấn địa chính trị của quốc gia này ở Balkan sẽ tăng lên”.

Hy Lạp đang trở thành “cửa ngõ” cho LNG vì quốc gia này có phần lớn diện tích được bao quanh bởi biển. Vùng Balkan hiện chỉ có nhà ga nhập khẩu LNG duy nhất ở phía bắc Croatia, nhưng công suất của nó hầu như không đáp ứng được nhu cầu của vào lúc này.

Nhu cầu khí đốt từ nguồn cung không phải Nga trong khu vực đang tăng nhanh. Trong khi đó, Tập đoàn xây dựng Gastrade của Hy Lạp đã nhanh chóng nhận được giấy phép cho hệ thống FSRU thứ 2. Các nhà phân tích tin rằng các dự án này sẽ có khả năng cung cấp khoảng 21 tỷ m3 khí/năm. Trong ba năm tới, mức tiêu thụ của Hy Lạp dự kiến sẽ tăng lên và chiếm khoảng một nửa công suất đó; phần còn lại - khoảng 10 tỷ m3/năm – dự kiến sẽ được xuất khẩu sang các quốc gia Balkan.

Trong khi đó, IGB chỉ có thể vận chuyển 5,5 tỷ m3 khí/năm. Song điều này có thể thay đổi nếu Hy Lạp nhận thấy nhu cầu về LNG vượt ra ngoài vùng Balkan.

Myrianthis cho biết: “Theo thời gian, chúng tôi sẽ biết được có bao nhiêu nước EU yêu cầu khí LNG từ Hy Lạp thông qua hệ thống này. Đường ống thứ hai sẽ được triển khai, song song với IGB. Kế hoạch đã được đưa ra. Nó sẽ được triển khai rất nhanh và đạt công suất cung cấp 10 tỷ m3 khí/năm”.

Cùng với hệ thống máy nén khí, công suất có thể tăng gấp đôi, giúp IGB trở thành đối thủ của Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Stream), đường ống dẫn khí do Nga xây dựng qua Biển Đen để đưa khí đốt vào đông nam Châu Âu.

Hy Lạp cũng đã lên kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn khí kết nối riêng với Bắc Macedonia. Cùng với đó, các ống dẫn khí cũ từ thời Liên Xô từng đưa khí đốt của Nga về phía Nam cũng đang được đảo chiều để chuyển LNG về phía bắc tới Bulgaria và Bắc Macedonia.

Chú thích ảnh
Các kỹ sư tại công trường xây dựng của một trạm đo khí, một phần của dự án đường ống dẫn khí giữa Bulgaria và Hy Lạp, gần làng Malko Kadievo. Ảnh: AFP

EU đã cấm than của Nga và đang trong quá trình tiến tới lệnh cấm hoàn toàn dầu mỏ từ nước này. Song ông Myrianthis cho biết: “Các biện pháp trừng phạt của EU đến một lúc nào đó sẽ ngăn chặn khí đốt của Nga chảy vào khu vực. Khi đó, khí đốt từ Alexandroupolis có thể chảy qua hệ thống IGB và vào cơ sở hạ tầng này. Đây là tầm quan trọng địa chính trị của IGB”.

Hy Lạp đã đảm nhiệm vai trò là nhà cung cấp khí đốt từ cuộc khủng hoảng lớn gần đây nhất của Nga năm 2009, khi Nga cắt nguồn cung cấp cho Ukraine vào giữa mùa đông, dẫn đến tình trạng thiếu hụt và cắt điện khắp Đông Nam Âu.

 EU đã thông báo vào năm nay rằng họ sẽ chi 693 triệu USD để thiết lập tuyến cáp điện 2 gigawatt dưới biển giúp nhập khẩu điện từ Israel qua Cyprus và Hy Lạp vào lưới điện của EU. Hy Lạp cũng sẽ là đầu mối cho một tuyến cáp tương tự kéo dài từ Ai Cập.

Thrasy Marketos, giảng viên về địa chính trị Á-Âu tại Đại học Peloponnese, nhận định: “Không nghi ngờ gì nữa, tầm quan trọng địa chính trị của Hy Lạp đang tăng lên. Nga đã nỗ lực 'nắm thóp' Đông Âu thông qua nhu cầu năng lượng của nước này trong những năm gần đây”. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, EU dường như đã “tuyên chiến” với chính sách năng lượng của Moskva.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Al Jazeera)
Ukraine ngừng một điểm trung chuyển, lượng khí đốt từ Nga sang châu Âu giảm
Ukraine ngừng một điểm trung chuyển, lượng khí đốt từ Nga sang châu Âu giảm

Lượng khí đốt của Nga trung chuyển qua Ukraine để vận chuyển sang châu Âu đã giảm xuống trong ngày 11/5, sau khi công ty điều hành hệ thống truyền tải khí đốt của Ukraine GTSOU tuyên bố sẽ tạm ngừng quá trình vận chuyển khí đốt của Nga đến châu Âu qua trạm Sochranovka.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN