Hướng dẫn viên du lịch tiếng Trung mất nghề tại Ấn Độ vì COVID-19

Pankaj Kavde tin rằng mình là hướng dẫn viên nói tiếng Trung Quốc cuối cùng tại Aurangabad – thành phố thuộc bang Maharashtra miền Tây Ấn Độ.

Chú thích ảnh
Hướng dẫn viên Kavde với một du khách Trung Quốc ở đền Kailasa, Ellora. Ảnh: Pankaj Kavde

“Tôi không còn thấy nhiều du khách người Trung Quốc nữa”, hướng dẫn viên Kavde – sinh sống tại làng Ellora cách thành phố du lịch Aurangabad 45 phút chạy xe - cho hay.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), quần thể hang động Ellora – từng được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới - là những công trình tôn giáo được thiết kế và xây dựng theo lối kiến trúc chạm khắc trên đá nguyên khối. Quần thể các hang động Ellora có tất cả 34 động đền thờ và động tu viện của đạo Phật, đạo Hindu và đạo Jain nằm bên trong khuôn viên.

Cách đây 14 năm, Kavde đã tới thủ đô New Delhi để học tiếng Trung Quốc từ một gia sư người Singapore với hy vọng kiếm được việc làm. Do các tu viện trong Ellora có thờ đạo Phật nên địa điểm này cũng rất thu hút khách du lịch Trung Quốc.

Tuy nhiên, mọi thứ không như Kavde mong đợi. “Trong một vài năm qua, tôi chỉ nhìn thấy vài du khách Trung Quốc, không quá nhiều. Có lẽ họ đi về phương Bắc thay vì phía Tây Ấn Độ”. Và giờ đây khi dịch bệnh COVID-19 hoành hành, công việc của những người như Kavde còn bấp bênh hơn.

Các hướng dẫn viên du lịch trên khắp Ấn Độ đang phải vật lộn để kiếm sống và những người nói tiếng Trung Quốc là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Đối với nhóm hướng dẫn viên này, vấn đề của họ không chỉ xuất phát từ COVID-19 mà còn do căng thẳng dọc theo biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên dãy Himalaya - nơi âm ỉ căng thẳng hai bên trong nhiều tháng. Quan hệ hai nước đã xuống dốc kể từ một cuộc đụng độ vào tháng 6 khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. New Delhi đã đáp trả bằng cách ban hành lệnh cấm hơn 100 ứng dụng di động của Trung Quốc.

“Điều này thực sự đáng lo ngại. Chúng tôi chỉ có thể hy vọng rằng mọi thứ sẽ trở lại bình thường vào đầu mùa du lịch tiếp theo vào năm 2021. Nhiều đồng nghiệp của tôi đang làm hướng dẫn viên toàn thời gian nhưng bây giờ chúng tôi có thể phải bắt đầu tìm sang công việc mới, dùng các kỹ năng sẵn có để kinh doanh”, một hướng dẫn viên du lịch biết tiếng Trung Quốc làm việc tại New Delhi cho biết. 

Chú thích ảnh
Nhóm du khách tạo dáng chụp ảnh trước Đền Taj Mahal nổi tiếng. Ảnh: AFP

Chỉ còn vài tuần nữa là bắt đầu mùa cao điểm của Ấn Độ. Theo Bộ Du lịch nước này, trong năm 2018, gần 60% khách du lịch đến Ấn Độ từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau. Dữ liệu của chính phủ Ấn Độ cho thấy số lượng khách du lịch từ Trung Quốc đã tăng từ 1.371 vào năm 1981 lên 281.768 vào năm 2018.

Theo định nghĩ trên trang website của Bộ Du lịch Ấn Độ, “Kumar” là tên họ phổ biến của những hướng dẫn viên địa phương nói tiếng Trung Quốc tại bang Bihar.

“Đại dịch đã thực sự bóp nghẹt chúng tôi. Tất cả chúng tôi đều bị ảnh hưởng nặng nề. Trước đại dịch, tôi đã từng thường xuyên hướng dẫn những nhóm lớn, từ 20 đến 25 người”, một Kumar tự hào cho biết anh có thể giao tiếp 100% bằng tiếng Trung Quốc với du khách.

Một hướng dẫn viên khác, Manish Kumar (36 tuổi) có biệt danh Roushan cũng chia sẻ câu chuyện tương tự. Trước đại dịch, công việc của anh vẫn diễn ra tốt đẹp do sự quan tâm của du khách Trung Quốc đối với vùng Tam giác vàng Delhi-Agra-Jaipur. Các đoàn du lịch Trung Quốc thường đi theo nhóm đông người. Roushan, tiết lộ trước khi xuất hiện đại dịch, anh có thể kiếm được 270 USD chỉ với 4-5 ngày làm việc. Nhưng lần dẫn khách Trung Quốc gần đây nhất của anh là vào ngày 29/1 năm nay.

Với các nhóm du khách Trung Quốc không còn xuất hiện, các hướng dẫn viên như Roushan trở nên khó khăn hơn trong việc trau dồi kỹ năng ngôn ngữ.

Roushan cho biết mặc thông thạo tiếng Trung Quốc song anh không thể giỏi như người bản xứ và vẫn gặp khó khăn với một số từ.

Giống như nhiều hướng dẫn viên du lịch khác, Roushan bắt đầu sự nghiệp phiên dịch cho một công ty công nghiệp. “Nhiều máy móc nhập khẩu từ Trung Quốc vào thời điểm đó, và khi tôi gặp một khách hàng Trung Quốc để giải thích về công nghệ cho tôi, tôi hoàn toàn không biết anh ta nói gì. Mọi thứ đều nằm ngoài tầm hiểu biết của tôi”, Roushan cho hay.

Roushan nhận thấy việc phiên dịch cho khách du lịch dễ dàng hơn nhiều nhưng nếu như tình cảnh này tiếp diễn khi du khách không quan trở lại, những hướng dẫn viên như anh sẽ phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: hoặc quay lại phiên dịch công nghiệp “khó nhằn” hoặc tìm một người mới công việc hoàn toàn.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Trung Quốc, Ấn Độ tăng mạnh lượng quân nhu ra biên giới trước mùa Đông
Trung Quốc, Ấn Độ tăng mạnh lượng quân nhu ra biên giới trước mùa Đông

Khi mùa đông khắc nghiệt đến gần, Trung Quốc và Ấn Độ đều đẩy mạnh gửi quân nhu đến khu vực biên giới vốn xảy ra nhiều mâu thuẫn trong thời gian qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN