Sự phối hợp giữa châu Âu và Mỹ trong các lệnh trừng phạt Nga đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Liệu các biện pháp cấm vận có giữ được sức mạnh khi đồng minh rạn nứt. Ảnh: AP/TTXVN
Theo hãng thông tấn độc lập UNIAN (Ukraine) ngày 27/5, một báo cáo nội bộ từ Bộ Ngoại giao Đức, được tờ Süddeutsche Zeitung (Đức) trích dẫn, đã hé lộ một thông tin gây sốc: sự phối hợp xuyên Đại Tây Dương giữa châu Âu và Mỹ về các lệnh trừng phạt chống Nga được cho là đã “hoàn toàn sụp đổ”.
Tuyên bố này được đưa ra bởi David O'Sullivan, người đứng đầu Ủy ban Trừng phạt của EU, trong một cuộc họp của Hội đồng Đối ngoại châu Âu tại Brussels vào tuần trước. Điều này dấy lên nhiều lo ngại về hiệu quả của các biện pháp trừng phạt đối với Nga và tương lai của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.
Hợp tác "mất đà"
Theo tài liệu nội bộ, ông O'Sullivan đã thẳng thắn thừa nhận rằng không còn "liên lạc chung" giữa hai bên, và sự hợp tác giữa các nước G7 trong vấn đề này cũng đã "mất đà". Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đang chuẩn bị gói trừng phạt thứ 18 đối với Nga. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, hy vọng về một hành động chung với Mỹ chống lại Điện Kremlin dường như khó thành hiện thực.
Sự rạn nứt này càng trở nên phức tạp khi một số chuyên gia nhận định rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể muốn nối lại hợp tác với Nga càng sớm càng tốt. Điều này đặt ra một câu hỏi lớn về khả năng EU và Mỹ có thể đạt được đồng thuận về các gói trừng phạt bổ sung trong tương lai.
Mặc dù tình hình hợp tác đang gặp khó khăn, cả ông O'Sullivan và Daniel Markic, Giám đốc Văn phòng điều phối tình báo EU, đều nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt đã tác động đáng kể đến nền kinh tế Nga. EU cũng đã ghi nhận một số thành công trong việc ngăn chặn xuất khẩu hàng hóa quân sự thông qua các nước thứ ba như Serbia, Uzbekistan và Ấn Độ.
Tuy nhiên, những thách thức lớn vẫn còn tồn tại. Các chuyến hàng qua Kazakhstan, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục. Đặc biệt, Trung Quốc được coi là những trung tâm lớn về lách lệnh trừng phạt. Ông O'Sullivan phàn nàn rằng Trung Quốc chịu trách nhiệm cho "khoảng 80% các trường hợp lách trường phạt", nhưng Bắc Kinh tiếp tục phủ nhận.
Đáng chú ý, báo cáo cũng chỉ ra rằng các công ty EU cũng đang hưởng lợi từ hoạt động kinh doanh "ngầm" với Nga. Điều này làm suy yếu đáng kể vị thế của Ủy ban châu Âu trong các cuộc đàm phán với các nước thứ ba, gây ra một sự mâu thuẫn nội tại trong chính sách trừng phạt của EU.
Trong bối cảnh rạn nứt về sự phối hợp, EU vẫn tiếp tục nỗ lực. Gần đây, EU đã công bố gói trừng phạt thứ 17 mới đối với Nga, và theo Bloomberg, châu Âu đang chuẩn bị những hạn chế mới, bao gồm khả năng ngắt kết nối hơn 20 ngân hàng khỏi SWIFT và cấm đường ống dẫn khí Nord Stream.
Về phía Mỹ, tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin cho biết Tổng thống Trump đang cân nhắc khả năng áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga trong tuần này. Tuy nhiên, các hạn chế này nhiều khả năng sẽ không bao gồm các lệnh trừng phạt ngân hàng mới. Thay vào đó, các lựa chọn khác đang được thảo luận để gây sức ép buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin phải nhượng bộ, bao gồm một lệnh ngừng bắn trong 30 ngày.
Như vậy, sự sụp đổ trong phối hợp xuyên Đại Tây Dương đang đặt ra một câu hỏi lớn về hiệu quả và tính bền vững của các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Nếu không có sự đồng lòng và hợp tác chặt chẽ, đặc biệt là giữa châu Âu và Mỹ, việc giảm thiểu tác động kinh tế từ các lệnh trừng phạt cũng sẽ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Tương lai của các lệnh trừng phạt và mối quan hệ giữa các đồng minh phương Tây đang đứng trước một giai đoạn đầy thử thách.