Theo phóng viên TTXVN tại Hong Kong, tối 8/10, chính quyền đặc khu đã hạ cảnh báo gió từ cấp 9 xuống cấp 8 và sẽ duy trì đến ít nhất đến 11h00 ngày 9/10. Đến 4h ngày 9/10, nhà chức trách ban hành cảnh báo mưa ở cấp độ "đen" - mức cao nhất trong thang cảnh báo và nguy cơ xảy ra ngập lụt hoặc sạt lở đất, đồng nghĩa với việc đặc khu này đã ghi nhận xảy ra mưa lớn xối xả với lượng mưa mỗi giờ vượt trên 70 mm. Theo Cơ quan khí tượng thủy văn Hong Kong, bão Koinu đang di chuyển dần ra xa vùng biển phía Nam Hong Kong, nhưng các dải mưa vẫn sẽ ảnh hưởng đến đặc khu này và các khu vực lân cận. Lượng mưa có thể lên tới mức rất cao 250 mm/năm, có thể gây hư hỏng đường bộ.
Sau khi tín hiệu gió cấp 8 có hiệu lực vào 12h40 ngày 8/10, hầu hết các phương tiện giao thông công cộng dần tạm dừng hoạt động. Ngoài ra do mưa lớn nên hiện tại các lối ra vào của một số ga ít ga tàu điện ngầm tạm thời bị đóng cửa để đảm bảo an toàn.
Kể từ nửa đêm, hầu hết các khu vực ở Hong Kong đã ghi nhận lượng mưa vượt 100 mm trong khi đó lượng mưa đo được tại khu vực phía Đông đảo Hong Kong, phía Đông đảo Cửu Long và Tseung Kwan O lên tới hơn 200 mm.
Tính đến 4h40 sáng, chính quyền Hong Kong đã ghi nhận được 17 báo cáo về cây đổ, 1 báo cáo về lở đất, 2 báo cáo ngập lụt và 25 người dân bị thương. Cơ quan đảm trách tiêu thoát nước đã cử hơn 80 đội ứng phó khẩn cấp đến kiểm tra các vị trí dễ bị ngập lụt để tiến hành công tác dọn dẹp khẩn cấp.
Bão Koinu xuất hiện chỉ một tháng sau khi Hong Kong hứng chịu bão Saola. Vào thời điểm đó (đầu tháng 9 năm nay), Cơ quan Khí tượng Thủy văn Hong Kong đã nâng cảnh báo về bão Saola lên mức cao nhất (cấp 10). Tới ngày 8/9, thành phố hứng chịu lượng mưa lớn nhất trong gần 140 năm, gây ra hiện tượng ngập lụt ở một số ga tàu điện ngầm và trung tâm thương mại, đồng thời gây ra hiện tượng lở đất ở một số vùng núi.