Kênh Telegram của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet cho biết địa phương đón nhiều du khách nhất trong dịp Tết Nguyên đán 2024 là tỉnh duyên hải Preah Sihanouk (Tây Nam nước này) với gần 300.000 lượt khách, tiếp theo là hai tỉnh Tây Bắc Siem Reap và Battambang, với hơn 100.000 lượt du khách đến tham quan các điểm đến ở mỗi địa phương.
Theo người phát ngôn Bộ Du lịch Campuchia Top Sopheak, các tour du lịch tại những khu nghỉ dưỡng diễn ra suôn sẻ, không có bất kỳ vấn đề hay sự cố nào. Ông nêu rõ: “Chúng tôi nhận thấy sự cải thiện trong việc giữ gìn trật tự, vệ sinh tại các khu nghỉ dưỡng, nhờ nỗ lực của cả bên cung cấp dịch vụ và khách tham quan”. Ông nhấn mạnh sự cải thiện trên có được là do sự quan tâm của chính quyền địa phương, đồng thời ghi nhận xu hướng du lịch ngày càng tăng của người dân trong nước trong các dịp lễ hội, dù là ngày lễ quốc gia hay quốc tế, đặc biệt khi các dịp này trùng với ngày cuối tuần.
Địa danh Siem Reap, vốn nổi tiếng với các di tích lịch sử văn hóa phong phú, đã trở thành một điểm đến hấp dẫn với cả du khách trong nước và quốc tế ở Campuchia trong dịp Tết Nguyên đán 2024. Theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Siem Reap Ngov Sengkak, địa phương có kỳ quan Angkor Wat này đã đón gần 120.000 lượt khách trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Trong số này, gần 100.000 lượt người là khách du lịch trong nước, tăng gần 11% so với con số 90.000 lượt du khách trong năm ngoái. Lượng khách du lịch quốc tế đạt gần 20.000 lượt người, tăng gần 17% so với mức hơn 15.000 lượt người của năm ngoái.
Ông Ho Vandy - Cố vấn Hiệp hội Du lịch Campuchia (CATA) - nhấn mạnh rằng một lượng đáng kể người dân trong nước có xu hướng đi du lịch trong các kỳ nghỉ lễ và cuối tuần, đặc biệt là sau khi tình hình dịch COVID-19 lắng dịu. Ông cũng nhận thấy số lượng tour được người Trung Quốc đặt tới Campuchia trong dịp Tết Nguyên đán đã tăng đáng kể, ước tính năm nay cao hơn khoảng 20 - 30% so với dịp Tết năm trước. Hầu hết du khách Trung Quốc đặt tour du lịch trọn gói của các công ty lữ hành địa phương. Theo ông Ho Vandy, điều này khiến các công ty lữ hành buộc phải phát triển những dịch vụ du lịch mới, có tính tới yếu tố chất lượng và chi phí, nhằm tăng sức hấp dẫn cho du lịch Campuchia.
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, ngoài Siem Reap, du khách Việt Nam tới Campuchia trong dịp Tết Nguyên đán 2024 thường đến tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi ở các địa phương tiếp giáp biên giới, đặc biệt là các tỉnh duyên hải Tây Nam Campuchia như Kep, Kampot và Preah Sihanouk, với nhiều bãi biển đẹp trên đất liền, cũng như trên các hòn đảo gần bờ. Đây cũng là những địa phương nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành có nhiều du khách đến tham quan, du lịch nghỉ dưỡng ở Campuchia trong dịp Tết Nguyên đán 2024 vừa qua. Trong đó, Preah Sihanouk là điểm đến hàng đầu với 294.301 lượt khách, tiếp theo là Kep với 73.145 lượt khách và Kampot với 64.528 lượt khách.
Theo báo cáo của Bộ Du lịch Campuchia, ngành du lịch nước này đã đạt tổng doanh thu hơn 3 tỷ USD vào năm 2023, tăng 115% so với con số 1,41 tỷ USD một năm trước đó. Báo cáo cho biết trong năm 2023, Campuchia đã đón 5,45 triệu lượt du khách quốc tế, tăng 140% so với mức 2,27 triệu lượt khách vào năm 2022.
Trong năm 2024, du lịch Campuchia kỳ vọng tiếp tục đà hồi phục, thu hút lượng du khách tương đương hoặc vượt mức kỷ lục của năm 2019, thời điểm trước khi bùng phát dịch COVID-19. Trong năm 2019, Campuchia đón lượng du khách quốc tế kỷ lục với hơn 6,6 triệu lượt người, thu gần 5 tỷ USD, tương đương khoảng 12% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia Đông Nam Á này.
Du lịch là một trong 4 trụ cột hỗ trợ nền kinh tế Campuchia. Nước này có 4 Di sản thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận, gồm: Công viên khảo cổ Angkor ở tỉnh Siem Reap, quần thể đền Sambor Prei Kuk ở tỉnh Kampong Thom, đền Preah Vihear và đền Koh Ker ở tỉnh Preah Vihear. Ngoài ra, Campuchia còn có đường bờ biển trải dài khoảng 450 km thuộc 4 tỉnh Tây Nam nước này, gồm Kep, Kampot, Preah Sihanouk và Koh Kong.