Tại hội thảo, Giáo sư Alexey Maslov, Viện trưởng Viện Viễn Đông và Phó Giáo sư Nguyễn Chiến Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những cuộc gặp gỡ và trao đổi quan điểm giữa giới học giả hai nước, đồng thời khẳng định dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 không thể cản trở các cuộc trao đổi của giới khoa học hai nước.
Khoảng 30 báo cáo đã được các nhà khoa học đến từ các trung tâm hàng đầu của Việt Nam, Nga và các cơ sở khoa học và giáo dục của Việt Nam trình bày tại hội thảo, tập trung vào 3 chủ đề lớn: lịch sử Cách mạng Tháng Tám; tình hình quốc tế và kinh tế - xã hội Việt Nam và các vấn đề văn hoá nghệ thuật Việt Nam hiện nay.
Phần lớn các tham luận đều liên quan đến tình hình quốc tế và sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam hiện nay. Các học giả Nga và Việt Nam đã thảo luận những thành tựu của Việt Nam trong việc hội nhập cộng đồng quốc tế, quan hệ của Việt Nam với Mỹ và Trung Quốc, Nga và Pháp, ASEAN nói chung và Thái Lan nói riêng.
Theo ông Yevgeny Kobelev, chuyên gia trong lĩnh vực Việt Nam học, chiến lược mặt trận dân tộc rộng lớn, nguyên tắc tự do tôn giáo là những điều kiện tiên quyết bảo đảm cho Cách mạng tháng Tám thắng lợi.
Bên cạnh đó, một số đại biểu tham dự hội nghị đã trình bày báo cáo các vấn đề thâm canh sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam và an toàn sinh thái biển, vấn đề Việt Nam tham gia Chương trình phát triển Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, sự phát triển giáo dục Việt Nam, truyền thống của các dân tộc thiểu số Việt Nam, công tác bảo tồn nghệ thuật hát múa dân gian.
Trên cơ sở các báo cáo được trình bày tại hội nghị, cũng như các tham luận vắng mặt, CIVAS sẽ xuất bản kỷ yếu mới của, dự kiến phát hành vào đầu năm 2021. Theo giới học giả, cũng như các ấn phẩm khác của trung tâm, cuốn kỷ yếu mới này sẽ là "trợ thủ" đắc lực giúp các nhà khoa học và các nhà thực hành giao tiếp với Việt Nam - một đối tác chiến lược đáng tin cậy, một người bạn của Nga.