Hội thảo có sự tham gia của hơn 30 nhà nghiên cứu, giới chuyên gia đến từ các viện, các trung tâm nghiên cứu và các trường đại học của Liên bang Nga và Việt Nam.
Ngoài phiên họp toàn thể (phiên khai mạc), Hội thảo trực tuyến nhân kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám thành công (1945 - 2020) được chia thành 5 chủ đề chính liên quan trực tiếp đến chặng đường 75 năm xây dựng và phát triển nhà nước Việt Nam gồm: Chính sách đối ngoại; Tình hình phát triển kinh tế - xã hội; Những hiện thực lịch sử ở thời đại mới; các giá trị văn hóa; Ngôn ngữ và văn học.
Trong các phát biểu chào mừng từ các đầu cầu tại Nga và Việt Nam, Viện trưởng Viện Viễn Đông (Viện Hàn lâm khoa học Nga), Giáo sư Alexey Maslov; Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Ngô Đức Mạnh; và Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), PGS-TS Nguyễn Chiến Thắng đều đánh giá cao ý nghĩa của hội thảo, cho rằng dù đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, song không thể thể ngăn cản giới chuyên môn hai nước giao lưu, trao đổi, dù chỉ bằng hình thức trực tuyến. Các đại biểu nhấn mạnh những thành tích trong hợp tác song phương đã được các thế hệ phát huy, thể hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội tại Việt Nam và Nga. Đại sứ Ngô Đức Mạnh khẳng định kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh, nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ quên ý nghĩa và những bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Trong phần tham luận, các chuyên gia, học giả hai nước đã tập trung trao đổi, thảo luận xoay quanh năm chủ đề lớn, đưa ra nhiều đánh giá, nhận xét và khuyến nghị mang tính gợi mở và có giá trị tham khảo cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay.
Về chủ đề chính sách đối ngoại, các tham luận tại hội thảo khẳng định Việt Nam chủ trương hội nhập quốc tế từ rất sớm, đã đổi mới tư duy, thực hiện đường lối đối ngoại mở cửa, đa phương hóa quan hệ và đa dạng hóa hình thức. Chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là mở rộng quan hệ quốc tế, góp phần gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Trên cơ sở những thành tựu đạt được trong 25 năm qua, Việt Nam sẽ tiếp tục đường hướng này, đảm bảo cân bằng quan hệ với các nước lớn, trong đó coi trọng mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với LB Nga, quán triệt tinh thần độc lập tự chủ dựa trên cơ sở đặt lợi ích quốc gia lên vị trí hàng đầu và bảo đảm mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Bên cạnh đó, các học giả cũng đề cập những thách thức hiện nay đối với vấn đề an ninh môi trường biển; phân tích xu hướng phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế; so sánh sự phát triển kinh tế Việt Nam trước và sau năm 1975…
Đề cập ý nghĩa thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám, các học giả Nga tập trung phân tích những tiền đề chủ yếu dẫn đến thành công của cuộc cách mạng này, trong đó nêu bật chiến lược cách mạng đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, việc xây dựng chính quyền của nhân dân; đánh giá Cách mạng tháng Tám tại Việt Nam là một giai đoạn lịch sử đặc biệt, không sao chép, mang bản sắc riêng của Việt Nam; đề cập những giá trị dân tộc, thách thức của quá trình hiện đại hóa và tình hình tôn giáo ở Việt Nam trong thế kỷ XXI; cũng như cho rằng “cuộc chiến” phòng, chống đại dịch COVID-19 tại Việt Nam giống như một phép thử tính hiệu quả của hệ thống nhà nước.
Sau khi kết thúc Hội thảo, Ban tổ chức dự kiến sẽ xuất bản Kỷ yếu với chủ đề: "Nước Việt Nam độc lập: con đường tiến tới sự tiến bộ và giữ gìn bản sắc" trong quý I/2021.