Hội nghị được tổ chức tại thành phố Puerto Iguazu của Argentina, với sự tham dự của lãnh đạo các nước thuộc MERCOSUR, bao gồm Tổng thống Argentina Alberto Fernandez, Tổng thống Uruguay Luis Lacalle Pou, Tổng thống Paraguay Mario Abdo Benitez và Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva.
Trước thềm hội nghị, Vụ trưởng Vụ Kinh tế của Bộ Ngoại giao Brazil Mauricio Carvalho, trên cương vị nước Chủ tịch luân phiên của MERCOSUR, cho biết ưu tiên hàng đầu của chính phủ nước này là thúc đẩy chương trình nghị sự đối ngoại của MERCOSUR. Theo đó, đối với EU, MERCOSUR cần gửi đi một thông điệp chính trị rõ ràng, đó là một thỏa thuận thương mại tự do sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định ít khả năng các nhà lãnh đạo MERCOSUR sẽ đạt đồng thuận về đáp ứng các yêu cầu của EU về bảo vệ môi trường. Ngày 12/6, Tổng thống Brazil Inacio Lula da Silva bày tỏ “quan ngại” về những đề xuất mà EU bổ sung hồi tháng 3 vừa qua. Ông nhấn mạnh các đối tác chiến lược nên có mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau và tránh các biện pháp trừng phạt.
MERCOSUR gồm 4 nước Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay. Khối này và EU đang nỗ lực hoàn tất hiệp định thương mại tự do sau khi đạt thỏa thuận về nguyên tắc vào năm 2019, đúng 20 năm kể từ khi khởi động đàm phán. Tuy nhiên, quá trình phê chuẩn thỏa thuận tại 27 quốc gia thành viên EU bị đình trệ, chủ yếu do EU còn quan ngại về vấn đề bảo vệ môi trường ở các nước MERCOSUR, điển hình là nạn phá rừng Amazon.
EU đã đề xuất bổ sung các nội dung về bảo vệ môi trường vào thỏa thuận, khiến các nhà lãnh đạo Nam Mỹ bất bình và làm chậm tiến độ đạt được một thỏa thuận cuối cùng. EU muốn bất cứ thỏa thuận nào với các quốc gia MERCOSUR phải bao gồm việc tuân thủ các cam kết được đưa ra trong khuôn khổ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.