Trong nội khối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), dữ liệu thương mại cho thấy Việt Nam là đối tác ưu tiên của các quốc gia thành viên MERCOSUR. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt thập kỷ qua, dòng chảy thương mại giữa MERCOSUR và Việt Nam đã vượt mốc 8 tỷ USD trong hai năm 2019 và 2020, chiếm gần 1/3 tổng dòng chảy thương mại giữa MERCOSUR và ASEAN.
Với tư cách khối, MERCOSUR là đối tác thương mại lớn thứ 11 đối với Việt Nam. Mặc dù quan hệ thương mại đã đạt được những bước tiến nhưng vẫn còn những cơ hội tăng trưởng chưa được khai thác. Thương mại và hợp tác trong các lĩnh vực như máy móc công nông nghiệp, thực phẩm và đồ uống, viễn thông và dịch vụ lưu trú vẫn còn tiềm năng rất lớn. Ngoài ra, hai bên còn có cả tiềm năng tăng trưởng to lớn trong đầu tư và hợp tác công nghệ, những lĩnh vực có thể thúc đẩy hơn nữa các cơ hội thương mại.
Năm 2020, MERCOSUR đã khép lại đối thoại thăm dò với Việt Nam với mục đích khởi động các đàm phán để tiến đến hiệp định thương mại tự do. Hiệp định này sẽ không chỉ khuyến khích các sáng kiến cả tư và công, mà còn tăng cường thêm nữa quan hệ kinh tế, chính trị, văn hóa giữa các quốc gia.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập khối, các Đại sứ của các quốc gia MERCOSUR vui mừng ghi nhận những thành quả chung đã đạt được trong mối quan hệ với Việt Nam và lạc quan về tương lai mối quan hệ đối tác.
MERCOSUR đặt ra những quy tắc cơ bản cho mô hình hội nhập tham vọng, nhằm mục đích thiết lập một thị trường chung với việc tự do lưu thông hàng hóa, dịch vụ, vốn và nhân lực, và áp dụng chính sách thương mại chung, cùng với sự phối hợp nền kinh tế vĩ mô và kết hợp hài hòa với pháp luật.
Nhiều năm qua, quá trình hội nhập đã vượt ra khỏi lĩnh vực kinh tế và đạt được những bước tiến đáng kể trong các lĩnh vực như giáo dục, văn hóa, nhân quyền, khoa học và công nghệ, tư pháp, an ninh công cộng và dịch vụ xã hội cùng nhiều lĩnh vực khác. Điều này đòi hỏi phải xây dựng các thể chế hoàn chỉnh, bao gồm việc thành lập một nghị viện khu vực.
Dịp kỷ niệm 30 năm đã đánh dấu sự ra mắt của Đạo luật Công dân MERCOSUR, một văn kiện mang tính bước ngoặt củng cố các quyền liên quan đến tự do di chuyển, hội nhập xuyên biên giới, giáo dục, lao động, an ninh xã hội, dịch vụ lãnh sự, vận tải, truyền thông, bảo vệ người tiêu dùng và tham gia chính trị.
MERCOSUR đang trải qua quá trình hiện đại hóa với mục đích hội nhập sâu hơn nữa vào kinh tế toàn cầu. Năm 2019, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khối MERCOSUR chiếm 69,2% GDP toàn khu vực Nam Mỹ và là khối kinh tế lớn thứ 8 trên thế giới với GDP đạt 2,38 nghìn tỷ USD. MERCOSUR đang tìm kiếm cơ hội khai thác tiềm năng quan hệ đối tác nước ngoài, trong đó có ASEAN và Việt Nam.
MERCOSUR và các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã tổ chức hai Hội nghị cấp Bộ trưởng vào năm 2008 và 2017. Tổng thương mại hai chiều giữa ASEAN và MERCOSUR đã đạt tới 28,23 tỷ USD vào năm 2019, trong khi dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ MERCOSUR vào ASEAN chiếm 17,46 triệu USD.