Cuộc họp trên dự kiến sẽ tập trung thảo luận liệu G20 có thể tái khẳng định tầm quan trọng của thương mại tự trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng. Ngoài ra, dư luận thế giới cũng hướng sự chú ý tới cuộc họp song phương dự kiến giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - cuộc họp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ khi cuộc chiến thuế quan xảy ra trong năm 2018.
Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra chưa đầy hai tuần sau khi các nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) không thể ra tuyên bố chung lần đầu tiên trong lịch sử 25 năm thành lập của diễn đàn này khi Washington và Bắc Kinh vẫn chưa thống nhất về những cải cách đối với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Với việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa tìm được tiếng nói chung thì khả năng các lãnh đạo G20 có thể đạt được nhất trí về thông cáo chung vẫn còn để ngỏ. Nếu G20 không đưa ra được thông cáo chung thì đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008 và tiếp tục làm dấy lên những lo ngại về khả năng tìm được sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế về các vấn đề quan trọng.
Bên cạnh đó, tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới, các nhà lãnh đạo G20 cũng dự kiến thảo luận về các rủi ro khác đối với nền kinh tế thế giới như kinh tế Trung Quốc giảm tốc, tiến trình bình thường hóa chính sách tiền tệ của Mỹ có thể dẫn tới tình trạng các dòng vốn chảy ra khỏi các thị trường mới nổi. Đồng thời, vấn đề tiền tệ cũng có thể được thảo luận khi Mỹ tỏ ý không hài lòng với việc đồng nhân dân tệ giảm giá gần đây đã mang lại lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu của nước này.