Phát biểu tại hội nghị, nhà lãnh đạo Trung Quốc đề xuất tổ chức một diễn đàn về phát triển Internet công nghiệp và sản xuất kỹ thuật số, một cuộc họp cấp cao BRICS về biến đổi khí hậu và một diễn đàn BRICS về dữ liệu lớn thúc đẩy phát triển bền vững. Ông cho biết Trung Quốc sẽ tổ chức hội thảo BRICS về quản trị và diễn đàn BRICS về giao lưu nhân dân và văn hóa, đồng thời mở một khóa đào tạo trực tuyến cho các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông của 5 nước. Ông cũng gợi ý thành lập một liên minh BRICS về đào tạo nghề để tổ chức các cuộc thi tay nghề.
Chủ tịch Trung Quốc đánh giá BRICS đã trở thành một lực lượng quan trọng trên trường quốc tế. Trong 15 năm qua, 5 nước đã tăng cường hợp tác chiến lược và thúc đẩy tin cậy chính trị trên tinh thần cởi mở, bao trùm và bình đẳng, tôn trọng hệ thống xã hội và con đường phát triển của nhau, đồng thời tìm ra cách thức hợp lý để các nước gắn kết với nhau. Trong khi tìm kiếm sức mạnh tổng hợp giữa các chính sách phát triển và dựa trên sự bổ sung của chúng, 5 nước đã đạt được những tiến bộ vững chắc trong các lĩnh vực hợp tác trên tinh thần thực chất, đổi mới và hợp tác cùng có lợi. BRICS ủng hộ chủ nghĩa đa phương và tham gia vào quản trị toàn cầu trên tinh thần bình đẳng, công bằng và tương trợ.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 13 theo hình thức trực tuyến do Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chủ trì. Tham dự hội nghị có Tổng thống Brazil Jair Bolsanaro, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphos cùng nhiều quan chức cấp cao các nước thành viên BRICS.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo thảo luận về cải cách hệ thống đa phương, chống khủng bố, sử dụng công cụ kỹ thuật số và công nghệ để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và tăng cường giao lưu nhân dân. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng trao đổi quan điểm về tác động của đại dịch COVID-19 cũng như các vấn đề toàn cầu và khu vực khác hiện nay, trong đó có tình hình ở Afghanistan.
Khối BRICS bao gồm 5 quốc gia đang phát triển lớn nhất trên thế giới (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), chiếm 41% dân số toàn cầu, 24% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và 16% thương mại của thế giới.