Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết G7 được thành lập năm 1975, là diễn đàn để những quốc gia giàu có nhất phương Tây bàn luận về nhiều vấn đề.
Trước cuộc họp trực diện đầu tiên của các Bộ trưởng Ngoại giao G7 kể từ năm 2019, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 3/5 phát biểu với các phóng viên: “Mục đích của chúng tôi không phải là kìm kẹp Trung Quốc hoặc ngăn cản Trung Quốc”.
Ông Blinken đánh giá phương Tây sẽ bảo vệ “các quy định quốc tế dựa trên trật tự” trước các nỗ lực mang tính phá hoại của bất cứ quốc gia nào, bao gồm cả Trung Quốc.
Sáng 4/5, các thảo luận tập trung vào Trung Quốc trong khi đến chiều cùng ngày nội dung chương trình đề cập chủ yếu đến Nga. Ngoài đề tài liên quan đến Trung Quốc và Nga, trong sự kiện ngày 4/5, lãnh đạo các quốc gia G7 cũng trao đổi về dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu.
Theo Reuters, trong con mắt các nhà ngoại giao và nhà đầu tư, sự lớn mạnh của nền kinh tế và quân sự Trung Quốc trong 40 năm qua là những sự kiện địa chính trị đáng quan tâm nhất thời gian qua, bên cạnh đó còn có diễn biến Liên Xô tan rã năm 1991, kết thúc Chiến tranh Lạnh.
Nga từng là thành viên của G8 từ năm 1997 nhưng đã bị đình chỉ vai trò này từ năm 2014 khi sáp nhập Crimea. Trung Quốc chưa bao giờ là thành viên của G7 vốn bao gồm Canada, Italy, Pháp, Đức, Nhật Bản, Anh và Mỹ.
Cuộc họp kéo dài 2 ngày bắt đầu từ 4/5 tại London được coi là sự kiện chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh G7 tại Cornwall, Anh trong tháng 6. Sự kiện này cũng sẽ đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden kể từ khi ông bước chân vào Nhà Trắng.