Hội nghị IMF - WB: Hối thúc hỗ trợ những nước nghèo nhất vượt qua đại dịch COVID-19

Ngày 14/10, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã kêu gọi những người giàu hỗ trợ những người nghèo nhất vượt qua tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở cả cấp độ quốc gia và trên toàn cầu.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Treichville, Côte d'Ivoire. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Ban lãnh đạo IMF và WB đặc biệt nhấn mạnh các chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong bối cảnh nợ công và nợ doanh nghiệp tăng vọt cùng lãi suất cơ bản đang ở mức thấp kỷ lục, cuộc khủng hoảng dịch bệnh đang đặt ra một bài toán khó đối với hai thể chế cho vay lớn nhất thế giới có trụ sở ở Washington (Mỹ), vốn luôn cảnh báo các nước cần thận trọng trong các quyết định chi tiêu.

Trước tình hình này, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva và Chủ tịch WB David Malpass đã hối thúc các chủ nợ, trong đó có Trung Quốc và các thể chế cho vay tư nhân, nỗ lực hành động để giảm gánh nặng nợ nần cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất.

Phát biểu với báo giới bên lề kỳ họp thường niên IMF - WB, Tổng Giám đốc Georgieva nhận định, 9 tháng sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thế giới đang phải chật vật vượt qua cuộc khủng hoảng vốn đã đẩy kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, đồng thời làm tăng tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói này. Bà bày tỏ quan ngại việc chấm dứt các chương trình hỗ trợ dành cho người lao động và doanh nghiệp có thể gây ra làn sóng phá sản và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. 

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có dấu hiệu tái bùng phát tại nhiều quốc gia và thế giới vẫn chưa có vaccine phòng bệnh, bà Georgieva cảnh báo hành trình "thoát khủng hoảng" sắp tới sẽ rất khó khăn. IMF một lần nữa khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách trên thế giới xem xét tăng thuế, chủ yếu đối với các cá nhân và doanh nghiệp vẫn có thể làm ăn tốt trong đại dịch COVID-19. Số tiền thuế thu được này sau đó có thể được chi bổ sung cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dạy nghề và hỗ trợ những người chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Trong khi đó, Chủ tịch WB Malpass cũng kêu gọi các chính phủ và tập đoàn cung cấp nhiều khoản cho vay hơn cho các quốc gia nghèo. Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất trên thế giới, chiếm 63% tổng số nợ của các nước thuộc Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Ôngcho rằng việc xóa nợ cho các nước nghèo có thể giúp đảm bảo tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Trước đó, các chuyên gia IMF dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ giảm 4,4% trong năm nay sau khi chính phủ các nước đã chi tới hơn 12.000 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế. Mặc dù dự báo năm 2021, nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi và tăng trưởng ở mức 5,2%, các chuyên gia cảnh báo trong 5 năm tới, kinh tế toàn cầu vẫn sẽ thiệt hại khoảng 28.000 tỷ USD.

Phan An (TTXVN)
WB: Các nước nghèo nhất thế giới đang 'gồng gánh' khoản nợ kỷ lục
WB: Các nước nghèo nhất thế giới đang 'gồng gánh' khoản nợ kỷ lục

Khoản nợ mà các nước nghèo nhất thế giới đang phải "gồng gánh" đã tăng lên mức kỷ lục 744 tỷ USD trong năm 2019 trước khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát, trong khi việc giảm nợ cho các nước này rất chậm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN