Nhà kinh tế trưởng của Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) Gita Gopinath ngày 29/6 đã đưa ra nhận định trên trong một sự kiện tổ chức trực tuyến của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế.
Phát biểu tại sự kiện, bà Gopinath nêu rõ: "Chúng tôi rất muốn khu vực tư nhân tham gia (sáng kiến giãn nợ). Việc này sẽ rất quan trọng". Theo bà Gopinath, đề nghị của G20 hoãn thanh toán các khoản nợ song phương chính thức của các nước nghèo cần được gia hạn sau cuối năm nay. Bà khẳng định DSSI là một bước đi quan trọng để giúp các nước nghèo nhất thế giới.
Sự ủng hộ của khu vực tư nhân đối với DSSI của G20 có thể là một chủ đề quan trọng tại cuộc họp trực tuyến vào tháng 7 tới của các bộ trưởng tài chính G20.
Hồi tuần trước, Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) David Malpass cho biết DSSI đã đạt được tiến bộ, song cần sự tham gia tích cực hơn của các chủ nợ khu vực tư nhân.
Trong khi đó, ban thư ký G20 cho biết 41 trong số 73 nước đã nộp đơn xin tạm hoãn trả nợ bởi các nước này đã chi hàng tỉ USD cho công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. WB dự báo DSSI có thể giải phóng 12 tỷ USD cho các nước đối phó với các vấn đề y tế và kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra.
Giữa tháng 4 vừa qua, G20 và Câu lạc bộ Paris đã nhất trí sáng kiến giãn nợ cho các nước nghèo nhất trong năm 2020, trong bối cảnh các lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan đã làm đảo lộn nền kinh tế thế giới. Sáng kiến giãn nợ cho các nước nghèo đã nhận được sự ủng hộ của các bộ trưởng tài chính thuộc Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Tại cuộc họp trực tuyến hôm 3/6, các bộ trưởng tài chính G7 nhấn mạnh tầm quan trọng của những biện pháp cứu trợ như vậy, cho rằng việc cho phép "những nước nghèo nhất" hoãn trả nợ đến hết năm 2020 ít nhất sẽ giúp những nước này có nguồn tài chính để tài trợ cho các biện pháp xã hội, y tế cũng như các biện pháp khác nhằm đối phó với đại dịch COVID-19.