Trong một phát biểu trước khi rời London để tới Glasgow, Thủ tướng Johnson nêu rõ "vẫn còn nhiều việc phải làm" trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu". Ông nêu rõ: "Điều này quan trọng hơn lợi ích của bất kỳ quốc gia đơn lẻ nào. Đã đến lúc các nước phải dẹp bỏ khác biệt và xích lại gần nhau vì một hành tinh chung và người dân các nước".
Hội nghị COP26 được các nhà lãnh đạo thế giới đánh giá là sự kiện trọng điểm để các nước chấp thuận những cách thức mới nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon, với mục tiêu ngăn nhiệt độ Trái Đất tăng và hạn chế những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu. Chủ tịch COP26 Alok Sharma thừa nhận dù đã có một số tiến bộ, nhưng các nhà đàm phán vẫn còn "một ngọn núi lớn phải vượt qua" trong 3 ngày còn lại của hội nghị.
Cho đến nay, tuy nhiều nước đã đưa ra những thông báo ấn tượng, được kỳ vọng có thể tạo nên những bước tiến mới, nhưng vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề chính chưa thể ngã ngũ trong các nỗ lực thực hiện mục tiêu tham vọng được đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 là kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Văn phòng Thủ tướng Anh nêu bật các vấn đề chủ chốt như cần sửa đổi tần suất tiến hành đánh giá chiến lược vì khí hậu của các quốc gia, cải thiện các kế hoạch cắt giảm khí thải, các tiêu chuẩn báo cáo chung và quỹ tài chính để giúp các quốc gia dễ bị tổn thương nhất đối phó với những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra.
Theo các nhà khoa học, mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ 1,5 độ C là mức tối đa giúp Trái Đất tránh sự gia tăng thảm khốc của các hiện tượng nắng nóng gay gắt, hạn hán, bão, lũ lụt và mất mùa.