Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu tại hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh 3 vấn đề này là “những khoản đầu tư dài hạn” để khu vực được chuẩn bị tốt hơn nhằm ứng phó với các đại dịch trong tương lai. Ông cho rằng nâng cao năng lực phục vụ của hệ thống y tế quốc gia là “cơ sở tuyệt đối” và là “tuyến phòng thủ đầu tiên” trước đại dịch. Mặt khác, hệ thống y tế quốc gia có thể trở thành nền tảng của khả năng phục hồi y tế khu vực.
Bên cạnh đó, Tổng thống Indonesia cho rằng cần tiếp tục củng cố hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia, nhất là khả năng tiếp cận của các nhóm yếu thế, cũng như cải thiện chiến lược xử lý đại dịch quốc gia, trong đó có việc hợp tác với Văn phòng quốc gia và khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tiếp đó, cần đáp ứng nhu cầu y tế bằng cách bắt đầu xây dựng nguồn dự trữ cho nhu cầu y tế trong khu vực.
Tổng thống Joko Widodo cho rằng Kho dự phòng vật tư y tế khu vực ASEAN có thể được phát triển thành kho dự trữ phục vụ nhu cầu y tế trong khu vực. Theo ông, cần tăng cường năng lực sản xuất thông qua việc hỗ trợ đầu tư, chuyển giao công nghệ, tiếp cận nguồn nguyên liệu sản xuất. Trong tình huống đại dịch, cần có nguồn tài trợ y tế khu vực và Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19 có thể được củng cố để trở thành Quỹ y tế khẩn cấp ASEAN.
Mặt khác, Tổng thống Indonesia cho rằng cần tăng cường điều phối trong việc điều chỉnh các chính sách nhằm ứng phó với đại dịch.
Cuối cùng, người đứng đầu nhà nước Indonesia cho rằng các nước cũng cần xây dựng cơ chế phân phối nhu cầu y tế nhanh chóng và đồng đều trong trường hợp khẩn cấp, trong đó sử dụng tối ưu Mạng lưới các Trung tâm điều hành khẩn cấp (EOC) của ASEAN.