Trong bài phát biểu, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh các nước thành viên cần nhanh chóng thích ứng với xu thế nổi bật của các nước Nam Bán cầu (gồm các quốc gia ở châu Phi, Mỹ Latinh và các nước đang phát triển ở châu Á), cũng như tích cực đáp ứng nguyện vọng của các quốc gia mong muốn tham gia cơ chế hợp tác BRICS. Ông khẳng định rằng việc mở rộng thành viên và thiết lập các quốc gia đối tác là điều cần thiết để nâng cao tiếng nói của các nước đang phát triển trong quản trị toàn cầu.
Ngoài ra, Chủ tịch Trung Quốc còn nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng BRICS thành một diễn đàn lớn cho sự đoàn kết và hợp tác của các nước Nam Bán cầu, đóng vai trò tiên phong trong cải cách quản trị toàn cầu. Ông cũng cho biết Trung Quốc sẽ thành lập 10 trung tâm học tập ở nước ngoài tại các nước BRICS để cung cấp cơ hội đào tạo cho 1.000 nhà quản lý giáo dục, giáo viên và học sinh.
Liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine, nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi các nước thành viên tuân thủ 3 nguyên tắc để giảm căng thẳng trong cuộc xung đột Nga-Ukraine gồm: ngăn chặn xung đột lan rộng, tránh các hành động làm leo thang căng thẳng và không có các hành động mang tính khiêu khích.
Phát biểu lần đầu tiên tại hội nghị BRICS kể từ khi Ai Cập được kết nạp, Tổng thống Ai Cập Abdelfattah al-Sisi đã hoan nghênh việc mở rộng BRICS, cho rằng đây đã trở thành diễn đàn đại diện cho tiếng nói và lợi ích của các nước đang phát triển. Ông nhấn mạnh rằng BRICS đang đóng góp quan trọng vào việc củng cố hệ thống quốc tế đa cực và thúc đẩy các phương thức tài chính sáng tạo cho các nước đang phát triển.
Bên cạnh đó, Tổng thống Lula cũng kêu gọi các bên liên quan tránh làm leo thăng căng thẳng trong các cuộc xung đột tại Ukraine và Trung Đông, cảnh báo rằng điều này có thể dẫn đến hậu quả toàn cầu. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine, đồng thời hối thúc các nước hợp tác nhằm chấm dứt xung đột Hamas-Israel, cũng như Hezbollah-Israel.
Trong khi đó, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian kêu gọi các nước thành viên BRICS tận dụng sức mạnh tập thể để “chấm dứt xung đột” tại Gaza và Liban. Ông mô tả các cuộc xung đột ở hai khu vực này là "tàn khốc và đau thương nhất".
Về phần mình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kêu gọi sự "tập trung nhất trí" và "ủng hộ mạnh mẽ" từ tất cả các nước trong cuộc chiến chống khủng bố, nhấn mạnh rằng không thể chấp nhận "tiêu chuẩn kép" trong vấn đề này.
Theo phóng viên TTXVN tại Ấn Độ, trong bài phát biểu của mình, ông Modi khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện "các bước đi tích cực" nhằm ngăn chặn tình trạng cực đoan hóa trong giới trẻ. Đồng thời, để đấu tranh chống lại chủ nghĩa khủng bố và tài trợ khủng bố, cần sự ủng hộ đồng lòng và kiên quyết từ tất cả các quốc gia.
Ông Modi cũng nhận định không có chỗ cho "tiêu chuẩn kép" trong cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời kêu gọi các quốc gia hợp tác giải quyết những tồn đọng tại Liên hợp quốc về Công ước toàn diện chống khủng bố quốc tế, nhấn mạnh cần xây dựng các quy định toàn cầu về an ninh mạng và đảm bảo trí tuệ nhân tạo được sử dụng một cách an toàn và bảo mật.
Thủ tướng Modi cũng đề cập đến sự mở rộng của BRICS, khẳng định Ấn Độ sẵn sàng chào đón các quốc gia mới gia nhập với tư cách là đối tác, nhấn mạnh mọi quyết định cần được đưa ra dựa trên sự đồng thuận và tôn trọng quan điểm của các thành viên sáng lập. Ngoài ra, ông Modi kêu gọi sự đoàn kết trong việc cải cách các thể chế như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các ngân hàng quốc tế và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).