Tại cuộc họp, Anh - đồng minh gần gũi nhất của Mỹ, cho rằng quyết định trên vi phạm Nghị quyết 497 mà LHQ ban hành năm 1981, tuyên bố việc Israel sáp nhập Cao nguyên Golan là "vô nghĩa và không có giá trị".
Trong khi đó, một đồng minh khác của Mỹ là Pháp cũng cảnh báo bất kỳ động thái nào đi ngược lại luật lệ quốc tế sẽ hứng chịu "thất bại". Pháp đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị công bố Kế hoạch Hòa bình Trung Đông, còn được biết đến là Thỏa thuận thế kỷ, mà nước này đã chuẩn bị trong suốt hai năm qua.
Phó Đại sứ Nga tại LHQ Vladimir Safronkov kêu gọi chính phủ các nước bác bỏ quyết định của Mỹ, tiếp tục coi Cao nguyên Golan là khu vực bị Israel chiếm đóng. Bên cạnh đó, ông cũng cảnh báo quyết định này có thể làm gia tăng bất ổn ở Trung Đông.
Các nước châu Âu khác là ủy viên HĐBA LHQ, trong đó có Đức, Bỉ và Ba Lan, cũng nêu quan ngại về những hậu quả lớn hơn có thể xảy đến từ việc công nhận những vùng đất bị sáp nhập trái phép.
Về phần mình, Trung Quốc cũng phản đối mọi hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng, đồng thời nêu rõ Bắc Kinh không muốn chứng kiến căng thẳng leo thang trong khu vực.
HĐBA LHQ đã tiến hành họp khẩn, theo đề nghị của Syria. Trong bức thư gửi Pháp - nước hiện đang giữ chức Chủ tịch HĐBA luân phiên, Damascus nêu rõ quyết định trên của Mỹ "vi phạm trắng trợn" các nghị quyết của LHQ.
Hiện các nhà ngoại giao LHQ đang đợi kết quả của hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab ở Tunisia, diễn ra vào ngày 31/3 tới, có thể đưa tới hành động tại LHQ nhằm đối phó với quyết định của Washington công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan.
Trước đó, ngày 25/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan. Văn bản được ký tại Nhà Trắng với sự chứng kiến của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Israel chiếm đóng Cao nguyên Golan trong thời gian xảy ra chiến tranh Trung Đông 1967, sau đó sáp nhập vào lãnh thổ của mình năm 1981, động thái không được cộng đồng quốc tế công nhận.