Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, cuộc họp diễn ra sau khi phái đoàn thường trực Liên bang Nga đề nghị mở một cuộc điều tra toàn diện do LHQ đứng đầu. Cuộc thảo luận đã diễn ra trong bầu không khí căng thẳng. Một số thành viên HĐBA lên tiếng ủng hộ mở cuộc điều tra do LHQ đứng đầu, trong khi một số thành viên khác nhấn mạnh chỉ cần các cuộc điều tra đang diễn ra hiện nay là đủ. Các thành viên khác bày tỏ quan ngại về tác động của vụ việc, cho rằng các nỗ lực nên tập trung vào việc hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực. Cuộc họp đã không thông qua được một nghị quyết liên quan như đề nghị của phía Nga.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Nga Vassily Nebenzia xác nhận Moskva đã đưa ra yêu cầu mở một cuộc điều tra độc lập do xuất hiện những nghi ngờ về tính minh bạch và toàn diện từ phía Đan Mạch, Đức và Thụy Điển trong các cuộc điều tra mà các nước này đang tiến hành. Ông Nebenzia khẳng định “có bằng chứng về việc thuốc nổ đã được đặt gần các đường ống dẫn trong thời gian diễn ra một cuộc tập trận hồi mùa Hè 2022 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)", ngụ ý tới thông tin mới đây của nhà báo nổi tiếng Seymour Hersh cho rằng Mỹ can dự vào vụ việc này.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ John Kelley cho rằng cuộc thảo luận này của HĐBA là một nỗ lực nữa rõ ràng nữa nhằm làm chệch hướng cuộc họp khẩn cấp của Đại hội đồng LHQ diễn ra đúng dịp 1 năm ngày Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Theo ông John Kelley, cáo buộc Mỹ can dự vào các hành động phá hoại là “hoàn toàn giả mạo”, đồng thời cho rằng nguồn lực cho các cuộc điều tra của LHQ nên được bảo toàn khi các nước thành viên không muốn hoặc không thể điều tra.
Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách chính trị và xây dựng hòa bình Rosemary DiCarlo hối thúc tất cả các bên “kiềm chế và không đưa ra bất kỳ đồn đoán nào” do tính nhạy cảm của vấn đề và điều đó có thể làm leo thang căng thẳng trong khu vực và tiềm ẩn nguy cơ phá hoại tiến trình tìm kiếm sự thật. Theo bà Rosemary DiCarlo, kết quả điều tra sơ bộ do các nước đang tiến hành hiện nay cho thấy “tình trạng hư hỏng nặng”, dấu diệu “phá hoại nghiêm trọng” và “nhiều vật thể lạ” tại hiện trường. Tuy nhiên, bà khẳng định LHQ không xác minh hay xác nhận bất cứ khiếu nại nào liên quan tới vụ việc này và “chúng tôi đang chờ kết quả các cuộc điều tra hiện nay”.
Sau các vụ nổ lớn hồi tháng 9/2022, các chuyên gia đã phát hiện 4 vị trí rò rỉ trên hai tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2. Trong số này, hai vị trí nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Thụy Điển và hai vị trí nằm trong EEZ của Đan Mạch. Các nước phương Tây và Nga đã đổ lỗi lẫn nhau về các vụ nổ. Tuy nhiên, các cuộc điều tra do chính quyền Thụy Điển, Đan Mạch thực hiện đến nay vẫn chưa quy trách nhiệm cho bất kỳ quốc gia hay chủ thể nào dù cho rằng đây là hành động "có chủ đích".