Hội đồng Bảo an LHQ bỏ phiếu về địa vị pháp lý của Jerusalem

Ngày 18/12, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức thảo luận kín và bỏ phiếu về Nghị quyết do Ai Cập soạn thảo, theo đó kêu gọi Mỹ rút lại tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. 14 /15 thành viên của HĐBA đã bỏ phiếu thuận đối với nghị quyết này.

Toàn cảnh cuộc họp HĐBA LHQ tại New York, Mỹ ngày 16/11. Ảnh: THX/TTXVN

Mỹ, nắm giữ quyền phủ quyết, là quốc gia duy nhất bỏ phiếu chống đối với nghị quyết trên. Tuy nhiên, Washington đã bày tỏ "sự tiếc nuối sâu sắc tới quyết định gần đây liên quan tới địa vị của Jerusalem".

Kết quả bỏ phiếu lần này không có tác động ảnh hưởng tới  địa vị pháp lý của Jerusalem, song cho thấy sự cô lập của Mỹ tại Hội đồng bảo an. Điều này có thể gây ra tình cảm xấu của người Palestine và thế giới hồi giáo đối với Mỹ đồng thời gây quan ngại cho các quốc gia đồng minh phương tây.

Trước đó, vào ngày 6/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra tuyên bố đầy tranh cãi khi cho rằng “đây là thời khắc để chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel” đồng thời cho biết, ông đã chỉ đạo bộ ngoại giao Mỹ "bắt đầu triển khai mọi công tác chuẩn bị để chuyển Đại sứ quán Mỹ từ thành phố Tel Aviv tới Jerusalem".

Điều này đi ngược lại chính sách của Washington nhiều thập kỷ qua. Nhiều tổng thống Mỹ tiền nhiệm của ông Trump đã kiềm chế không công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel với hy vọng giữ được sự trung lập trong khi các biên giới tranh chấp của thành phố này được xác định trong một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tuyên bố phản đối các hành động đơn phương đe doạ triển vọng hoà bình Trung Đông, đồng thời khẳng định không có giải pháp nào khác cho cuộc xung đột ngoài giải pháp hai nhà nước Israel-Palestine. Theo ông Guterres, vấn để quy chế Jerusalem cần giải quyết bằng đàm phán trực tiếp.

Theo các chuyên gia, việc Mỹ thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel có thể thổi bùng nguy cơ gây phản ứng dữ dội chống lại Israel, đồng thời có khả năng kích động các hoạt động chống lại các lợi ích của Mỹ tại Trung Đông.

Jerusalem là nơi chung sống của 3 tôn giáo hàng đầu thế giới, gồm Hồi giáo, Cơ đốc giáo và Do Thái Giáo. Theo kết quả nghiên cứu của một viện nghiên cứu độc lập tại Jerusalem, có khoảng 850.000 người đang sinh sống tại đây, trong đó người Arập chiếm 37% và người Do Thái chiếm khoảng 61%.
 
TTXVN/Báo Tin tức
Phản đối Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ mở Đại sứ quán tại Đông Jerusalem
Phản đối Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ mở Đại sứ quán tại Đông Jerusalem

Ngày 17/12, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết nước này sẽ mở Đại sứ quán ở Đông Jerusalem. Đây được xem là động thái phản đối quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN