Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn kết quả trên cho biết có đến 50,9% học sinh cho rằng Triều Tiên là “nước hợp tác”, tăng 9,6% so với 1 năm trước. Trong khi đó, 12,1% số học sinh được hỏi coi Triều Tiên là “nước mà Hàn Quốc cần giúp đỡ”, tăng 1,3%. Tuy nhiên, vẫn có 28,2% học sinh bày tỏ ý kiến "cần cảnh giác" với Triều Tiên.
Trả lời câu hỏi về “hình ảnh đầu tiên nghĩ đến khi nhắc tới Triều Tiên”, số học sinh chọn “một dân tộc”, “thống nhất” tăng mạnh từ 8,6% lên 24,9%. Trong khi đó, tỷ lệ chọn “chiến tranh, quân sự” là 29,7%. Có 26,7% học sinh chọn câu trả lời liên quan tới nhà lãnh đạo Triều Tiên, giảm mạnh so với mức 49,3% của thăm dò ý kiến năm 2017.
Tương tự năm 2017, kết quả thăm dò ý kiến năm 2018 cho thấy có 60% học sinh trả lời hai miền Triều Tiên cần thống nhất. Tuy nhiên, nếu năm 2017 chỉ có 21,2% số học sinh được hỏi cho rằng hai miền sẽ thống nhất sau 21 năm thì 1 năm sau đó, con số trả lời “sẽ thống nhất” lên đến 31,3% và thời gian được rút ngắn là trong vòng 6 - 10 năm tới.
Cuộc thăm dò ý kiến lần này được thực hiện với 82.947 học sinh tại 597 trường tiểu học và trung học cơ sở trên toàn Hàn Quốc từ ngày 22/10 - 10/12/2018, có độ tin cậy 95%, sai số trong khoảng 0,34%.
Cùng ngày, Bộ Thống nhất Hàn Quốc thông báo đã phê duyệt tổng cộng 1.000 đơn của công dân nước này xin phép liên lạc với người thân ở Triều Tiên kể từ năm 2017. Theo Luật An ninh quốc gia của Hàn Quốc, người dân nước này cần được chính phủ chấp thuận trước khi liên lạc hoặc gặp gỡ người Triều Tiên. Những người vi phạm có thể sẽ bị phạt hành chính và thậm chí ngồi tù.
Theo bộ trên, trong năm 2017 có 193 đơn xin phép liên lạc với người Triều Tiên, nhưng con số này tăng mạnh lên 707 vào năm 2018 và trong hơn 1 tháng đầu năm nay, số đơn xin phép đã đạt 100 đơn, trong bối cảnh tiến trình hòa giải bắt đầu vào đầu năm ngoái. Những liên lạc qua biên giới trong lĩnh vực thể thao, văn hóa và tôn giáo chiếm số lượng nhiều nhất với 589 trường hợp, còn trong lĩnh vực hợp tác nhân đạo và kinh tế lần lượt có 232 và 177 trường hợp.