Mặc dù có những đánh giá khác nhau về kết quả cuộc hòa đàm, song giới phân tích nhận định rằng việc lần đầu tiên Chính phủ Syria và lực lượng đối lập ngồi vào bàn đàm phán để tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột đẫm máu kéo dài gần 6 năm qua tại quốc gia Trung Đông này là tín hiệu tích cực, mở đường để nối lại vòng đàm phán tại Geneva , Thụy Sĩ do LHQ bảo trợ, dự kiến vào ngày 8/2 tới.
Cuộc hòa đàm về Syria tại Astana là sáng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm mở ra cơ hội để khuyến khích các thủ lĩnh phe đối lập tại Syria tham gia vào "tiến trình chính trị" để có thể chấm dứt sự đổ máu, củng cố thỏa thuận ngừng bắn vốn rất mong manh tại quốc gia Trung Đông này. Xét trên phương diện này có thể nói cuộc hòa đàm về Syria lần này đã kết thúc thành công. Lần đầu tiên các nhóm vũ trang đối lập tại Syria ngồi vào cùng một bàn đàm phán với đại diện chính phủ kể từ khi cuộc xung đột đẫm máu bùng phát cách đây gần 6 năm.
Đại diện các bên tại vòng đàm phán hòa bình cho Syria tại Astana ngày 24/1. Ảnh: THX/TTXVN |
Mặc dù hai bên không đối thoại trực tiếp với nhau hay tiến hành cuộc gặp riêng, toàn bộ diễn biến của cuộc hòa đàm đều thông qua các nhà bảo trợ, song đây rõ ràng đây là bước tiến lớn trên con đường "đầy chông gai" tìm kiếm những giải pháp chính trị để mang lại hòa bình cho quốc gia, nơi cuộc nội chiến đã cướp đi sinh mạng khoảng 300 nghìn người. Thành công tiếp theo phải kể đến là Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran ra tuyên bố chung nêu rõ phe đối lập Syria đã đồng ý tham gia cuộc đàm phán hòa bình Geneva sắp tới. Các bên cũng nhất trí thiết lập cơ chế 3 bên để giám sát và đảm bảo việc thực thi đầy đủ lệnh ngừng bắn, ngăn chặn mọi hành động khiêu khích và xác định mọi phương thức thực hiện lệnh ngừng bắn, phối hợp nỗ lực chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đề xuất phân biệt rõ ràng các nhóm khủng bố và những lực lượng đối lập tại Syria, đồng thời hoan nghênh việc thực hiện Nghị quyết 2254 về Syria được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua hồi tháng 12/2015... Ngoài ra, nhằm đẩy nhanh tiến trình đàm phán chính trị để chấm dứt cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này, Nga đã chuyển cho phe đối lập bản dự thảo Hiến pháp mới của Syria do Moskva soạn thảo, để nghiên cứu.
Điều đáng nói, cuộc hòa đàm về Syria tại Astana không có sự tham gia của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Phải chăng Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bắt tay có thể lập lại được hòa bình cho Syria mà không cần có sự tham gia của Mỹ và phương Tây? Theo giới phân tích, việc Mỹ không tham gia (mặc dù được Nga mời) không đồng nghĩa với việc Washington không muốn tham gia vào tiến trình giải quyết khủng hoảng tại Syria mà chủ yếu do trùng với thời điểm chính quyền mới ở Mỹ nhậm chức. Sự tham gia của Mỹ rất cần thiết vì cuộc hòa đàm diễn ra ở Astana là một bộ phận không thể tách rời tiến trình đàm phán Geneva về Syria. Do đó, khi vấn đề Syria được đưa lên LHQ thì sự đóng góp của Mỹ rất quan trọng.
Chuyên gia Kirill Dzhavlakh thuộc Trung tâm Đánh giá và Dự báo (Nga) cho rằng việc lập lại hòa bình cho Syria phần lớn phụ thuộc vào lập trường của Mỹ. Chính quyền mới của Mỹ sẵn sàng phối hợp với Nga như thế nào trong cuộc chiến chống khủng bổ ở Trung Đông. Liệu Washington có làm suy yếu được mối quan hệ hợp tác Moskva và Tehran, đồng thời củng cố mối quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ hay không? Có bao nhiều đại diện liên minh phương Tây và chế độ quân chủ Arab sẵn sàng thỏa thuận với Tổng thống Bashar Al-Assad và Tehran. Kết luận cuối cùng về tiến trình hòa bình Syria sẽ đi về đâu và chỉ có thể sáng tỏ tại các cuộc đàm phán ở Geneva.
Như vậy, cuộc hòa đàm tại Astana đã gặt hái được những thành công nhất định, đây chỉ mới là "sự khởi đầu" trên con đường còn lắm chông gai đi tìm kiếm những giải pháp hòa bình cho cuộc nội chiến ở Syria. Tuy nhiên khi tất cả các bên liên quan sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán thì mọi khó khăn đều có thể tìm được cách giải quyết.