Hoa anh đào và triết lý sống của người Nhật Bản

Chúng tôi có mặt tại Nhật Bản vào những ngày cuối của tháng Ba nhưng hoa anh đào lại chưa nở. Có lẽ vì mùa đông năm nay dài bất thường. Những đồng nghiệp Nhật Bản cho chúng tôi hay hoa anh đào - hay sakura theo cách gọi của người Nhật - năm nay nở muộn nhất trong vòng 20 năm qua. Thật tiếc vì đặt chân đến Kyoto cổ kính nổi tiếng với những ngôi đền, mái chùa ẩn hiện dưới những tán hoa anh đào mà lại không được tận hưởng vẻ đẹp kiêu sa, mong manh của sakura, một biểu tượng văn hóa của Nhật Bản. Nhưng bù lại, chúng tôi lại được các bạn đồng nghiệp ở Hãng thông tấn Kyodo giới thiệu một cách kỹ lưỡng, sinh động về sự cao quý của loài hoa này.

Hạ nghị sỹ Yoshito Sengoku (giữa) chụp ảnh lưu niệm với Đoàn đại biểu TTXVN.

Mỗi năm, hoa anh đào chỉ nở một lần vào khoảng từ cuối tháng Ba đến đầu tháng Tư. Có tới hơn 300 loại hoa anh đào ở Nhật Bản. Chị Mika, một nhà báo của Kyodo, người từng có thời gian làm phóng viên thường trú của Hãng thông tấn Kyodo tại Hà Nội, cho chúng tôi biết khi sakura nở rộ cũng là lúc xuân sang. Sau những ngày mùa đông ảm đạm, các đường phố của nước Nhật bỗng sáng bừng với sắc hồng, trắng hay phớt tím của sakura. Người dân Nhật có khoảng hai tuần để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa anh đào. Sakura có vẻ đẹp mong manh, tinh khiết và khi nở, tất cả các nụ hoa cùng nhau khoe sắc. Một điều kỳ lạ là khi hoa anh đào đẹp nhất cũng là lúc nó sẽ chấm dứt cuộc sống ngắn ngủi của mình.

Một mùa hoa anh đào rực sắc ở Nhật Bản. Ảnh: Internet

Tại sao người Nhật Bản lại mê sakura đến vậy, tôi hỏi anh bạn đồng nghiệp Yoshida của Kyodo. Anh cho biết bởi hoa anh đào thể hiện tinh thần của người Nhật: Sống kỷ luật, không ồn ào, luôn đốt cháy hết năng lượng trong mình để mang lại những điều hữu ích cho cuộc sống. Yoshida cho rằng triết lý này của người Nhật không chỉ thể hiện trong cuộc sống hàng ngày mà cả trong các mối quan hệ hợp tác. Anh nói thêm khi hợp tác, Nhật Bản luôn muốn một sự kết hợp bền vững chứ không phải một cái bắt tay chóng vánh.

Bản thân tôi cũng cảm nhận được triết lý sống này của người Nhật trong cuộc tiếp xúc với Hạ nghị sỹ Yoshito Sengoku khi ông tiếp Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi trong một buổi chiều đầu xuân tại Tokyo. Ông Sengoku nguyên là Chánh văn phòng Nội các và cũng là người rất có thiện cảm với Việt Nam. Chúng tôi đã đề nghị ông cho biết nhận định của ông về nền kinh tế của Việt Nam. Ông cho rằng kinh tế Việt Nam phát triển tương đối nóng trong thời gian qua. Điều này cũng dễ hiểu, ông lý giải, một phần là do Việt Nam phải làm quá nhiều việc trong cùng một thời gian.

Việt Nam vừa phải khắc phục hậu quả của chiến tranh, tái thiết đất nước, vừa phải tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để không bị lạc hậu so với thời cuộc. Nhật Bản có 70 năm để làm công việc này còn Việt Nam phải làm tất cả các công việc này trong gần 40 năm qua. Ông gợi ý, thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng cơ chế tốt hơn, hoàn thiện hệ thống pháp lý và giữ vững giá trị của đồng tiền. Làm tốt những việc này sẽ khuyến khích người dân bỏ tiền để đầu tư chứ không phải để đầu cơ như thời gian qua và như vậy Việt Nam sẽ tránh được các bong bóng kinh tế.

Ông cũng cho rằng để có thể tiếp tục thành công, Việt Nam không nên triển khai các công việc một cách gấp gáp, đặc biệt trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng. Khi xây dựng hệ thống giao thông đường bộ, Việt Nam cần tiến hành đồng bộ với việc triển khai các công trình ngầm như hệ thống cáp quang hay thoát nước. Hạ nghị sỹ Sengoku đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có một chiến lược phát triển nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển bền vững theo mô hình kim tự tháp. Theo đó, chân đế kim tự tháp là những lao động đơn giản có thể làm nhiều công việc và lao động có tay nghề cao. Tiếp theo là những kỹ sư, những người quản lý, những nhà nghiên cứu giỏi có khả năng tiếp thu và ứng dụng công nghệ hiện đại, số này không cần đông nhưng phải đặc biệt tinh thông. Chóp kim tự tháp là những chiến lược gia và lãnh đạo ưu tú.

Nguồn nhân lực của Việt Nam có lẽ là một yếu tố khá hấp dẫn đối với Nhật Bản. Trong buổi tiếp Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi tại Tokyo hôm 26/3, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yukino Edano cho rằng cơ cấu dân số trẻ, bản tính siêng năng, tài nguyên phong phú của Việt Nam và mối quan hệ tốt đẹp sẵn có giữa hai nước là những yếu tố thuận lợi để Việt Nam và Nhật Bản cùng phát triển bền vững trong thời gian tới. Ông tin tưởng rằng sự kết hợp giữa công nghệ tiến tiến của Nhật Bản và nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam sẽ mang lại sự thịnh vượng cho cả hai nước trong tương lai, góp phần đưa châu Á trở thành trung tâm kinh tế mạnh của thế giới trong thế kỷ 21.

Triết lý phát triển bền vững của Nhật Bản không chỉ thấy ở những con người thuộc thượng tầng kiến trúc mà còn được thể hiện ở cách kinh doanh của các thương gia Nhật Bản, những người theo lẽ thường tình luôn đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Đó là câu chuyện về cách hoạt động của nhà hàng Kikunoi ở cố đô Kyoto, nơi chúng tôi có may mắn được thưởng thức một bữa trưa theo phong cách truyền thống Nhật Bản. Theo lời một người phục vụ, người chủ nhà hàng hiện nay, thuộc thế hệ thứ ba của gia đình Kikunoi.

Để có thể dùng bữa tại nhà hàng này, các bạn đồng nghiệp Nhật Bản của chúng tôi đã phải đặt chỗ từ hơn một tháng trước đó. Không chỉ có vấn đề thời gian mà nhà hàng này luôn kén khách hàng cũng như chọn thực đơn cho khách. Ngoài ra, nếu khách hàng đến dùng bữa trưa sẽ phải lưu lại hai tiếng còn bữa tối là ba tiếng để lần lượt thưởng thức các món ăn được phục vụ theo đúng phong cách truyền thống của Nhật Bản. Chúng tôi được giải thích rằng nhà hàng chỉ chọn những khách hàng mà theo họ có thể cảm nhận sự tinh tế của văn hóa Nhật Bản cũng như giúp nhà hàng mang tới cho các khách hàng khác một không gian ẩm thực Nhật Bản truyền thống và rằng lợi nhuận luôn đứng sau sứ mệnh gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống. Những người bạn Nhật cho chúng tôi hay, với triết lý này chủ nhà Kikunoi đã chứng minh được mình đúng là vì sau hơn một trăm năm tồn tại và phát triển, Kikunoi đã trở nên nổi tiếng với nhiều giải thưởng quốc tế của Gourmand (2006), Tổ chức James Beard (2007)...

Sau gần hai tiếng thưởng thức bữa trưa tại nhà hàng, chúng tôi không những được ngon miệng mà còn mãn nhãn với sự bày biện đẹp mắt, tinh tế nhưng không quá cầu kỳ của các món ăn. Thái độ ân cần, tôn trọng khách hàng của chủ nhà hàng và những người phục vụ đã mang tới cho chúng tôi những cảm nhận khó quên về nét tinh tế của văn hóa Nhật Bản trên đất cố đô.

Viết tới dòng kết của bài viết tôi muốn gửi lời cảm ơn đặc biệt đến Chủ tịch Satoshi Ishikawa và các đồng nghiệp của Hãng thông tấn Kyodo News, những người trong nhiều năm qua đã cùng các đồng nghiệp TTXVN chúng tôi xây nhịp cầu hữu nghị Việt - Nhật bằng thông tin, đóng góp vào việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Rời Nhật Bản lần này có lẽ điều tiếc nuối duy nhất của chúng tôi là sakura vẫn chưa nở trên xứ sở của loài hoa quý phái này. Nhưng bù lại, chúng tôi đã hiểu được phần nào văn hóa, triết lý sống của dân tộc Nhật Bản và nguồn cội tình yêu của người Nhật dành cho hoa anh đào.

Việt Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN