Sau khi được ông Erling Persson thành lập vào năm 1947 tại Thụy Điển, H&M đã liên tục phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh với hàng nghìn cửa hàng trên toàn thế giới. Với cách tiếp thị sáng tạo và khả năng sản xuất nhanh chóng, H&M đã trở thành là một trong những thương hiệu thời trang nổi tiếng trên toàn cầu.
Theo các chuyên gia, chiến lược thời trang nhanh của H&M là một trong những lý do khiến hãng này gặt hái nhiều thành công. Khái niệm kinh doanh của thương hiệu này rất đơn giản và khá dễ hiểu khi hứa hẹn cung cấp các trang phục thời trang chất lượng ở mức giá tốt nhất. H&M cung cấp các mẫu quần áo cho nữ giới, nam giới, trẻ em, phù hợp với những xu hướng thời trang mới nhất. Nhờ vậy, bất cứ thứ gì người tiêu dùng cần, từ trang phục cơ bản đến trang phục dạ hội, H&M đều có thể cung cấp với giá cả phải chăng.
Chiến lược thời trang nhanh cũng đảm bảo luôn có các lô hàng trang phục mới được cập nhật hàng ngày tại các cửa hàng của hãng trên toàn cầu. Bộ sưu tập mới liên tục được trưng bày là một trong những lý do lôi cuốn khách hàng tiếp tục quay lại các cửa hàng để không bỏ lỡ những thiết kế mới. Chiến lược này giúp H&M có lưu lượng khách hàng tiếp cận nhiều hơn và tỷ lệ bán hàng cũng cao hơn.
Một bí quyết hàng đầu khác dẫn đến thành công của H&M là sự phối hợp của hãng. Chiến lược tiếp thị của thương hiệu này là thuyết phục khách hàng tìm đến H&M như một giải pháp thay thế thời trang sang trọng. Theo đó, H&M có bộ sưu tập hàng năm với các hãng thời trang hạng sang như Versace, Karl Lagerfeld và Balmain. Chiến lược tiếp thị này là một trong những đặc điểm hàng đầu giúp phân biệt thương hiệu thời trang nhanh H&M với các hãng đối thủ như Zara.
H&M cũng được biết đến là một thương hiệu có ý thức về môi trường. Karl-Johan Persson, một lãnh đạo cấp cao của H&M cho biết mục tiêu của hãng này là làm cho thời trang trở nên bền vững. H&M là một trong hàng chục hãng thời trang hàng đầu thế giới cam kết giảm khí gây hiệu ứng nhà kính xuống còn 30% vào năm 2030. Năm 2019, H&M đã thông báo ngừng việc mua da thuộc từ Brazil nhằm phản đối tình trạng cháy rừng lan rộng tại rừng mưa Amazon ở nước này, vốn gây ra sự phản đối rộng rãi trên toàn cầu.
Một điểm khác biệt của H&M so với các thương hiệu thời trang khác là xu hướng tạo ra một vòng đời sản phẩm ngắn cho các mẫu trang phục. Mặc dù đây là một chiến lược mạo hiểm, song H&M đã thực hiện rất tốt và mang lại lợi thế cho hãng này so với các đối thủ cạnh tranh. Bên cạnh đó, H&M là thương hiệu ít có chương trình giảm giá. Hầu hết các sản phẩm chỉ được trưng bày trong vài tuần, điều này khiến khách hàng nhanh chóng mua sản phẩm khi họ biết rằng ít có khả năng sẽ có một đợt giảm giá. Do đó, khách hàng không muốn bỏ lỡ và mua sản phẩm ngay khi họ vừa có mặt trên thị trường.
Ngoài ra, H&M luôn đặt các cửa hàng của hãng tại các khu mua sắm sầm uất, nhằm thu hút lượng khách hàng vào xem, khi vị trí cửa hàng cũng là một hình thức quảng cáo. H&M có các cửa hàng được đặt ở vị trí chiến lược trên toàn cầu, với một số cửa hàng được đạt bên cạnh những thương hiệu cao cấp như Dior, Channel nhằm nâng cao hình ảnh của thương hiệu.
Một nét đáng chú ý khác là văn hóa làm việc của H&M với mô hình tập trung vào làm việc theo nhóm. Mỗi nhóm tập hợp lại với nhau thường có sự kết hợp của kỹ năng lãnh đạo, hiệu quả và kinh nghiệm. Sự kết hợp này là cách thức giúp nhóm đưa ra các giải pháp và ý tưởng sáng tạo. Môi trường làm việc của H&M liên tục có những cải tiến mới, nhằm tạo ra những điều kiện thoải mái, vui vẻ, được tôn trọng để nhân viên phát triển. Chiến lược này giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh đồng thời xây dựng sự tôn trọng lẫn nhau trong doanh nghiệp.
Trong quý II của tài khoá 2021- 2022 (từ tháng 3-5/2022), lợi nhuận ròng của H&M đã tăng 33% lên 3,7 tỷ kronor Thụy Điển (364 triệu USD) so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh thu tăng 17% lên 54,5 tỷ kronor Thụy Điển mặc dù công ty ngừng kinh doanh ở Nga, Ukraine và Belarus.