Hãng Sputnik (Nga) cho biết tổng cộng 171 người bao gồm các nhân viên ngoại giao Nga và người thân của họ đã lên hai chiếc máy bay cất cánh từ sân bay quốc tế Dulles lên đường về Moscow.
Máy bay của Nga đến đón nhân viên ngoại giao từ thủ đô Mỹ về Moskva. Ảnh: Sputnik |
Trước đó, Đại sứ quán Nga tại Mỹ thông báo rằng hai phi cơ riêng của hãng hàng không quốc gia Nga Rossiya đã hạ cánh xuống Washington DC để đón các nhà ngoại giao và gia đình họ. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov đã tiễn các nhân viên ngoại giao Nga tận sân bay.
Trước đó, vào ngày 26/3, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra quyết định trục xuất 60 nhân viên ngoại giao Nga và gia đình của họ khỏi lãnh thổ Mỹ. Ngoài ra, Washington yêu cầu Moskva đóng lãnh sự quán Nga tại Seattle. Động thái này nhằm thể hiện ủng hộ của Mỹ đối với cáo buộc của Anh rằng Nga có liên quan tới vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal.
Máy bay chở các nhà ngoại giao Nga bị trục xuất khỏi Mỹ hạ cánh xuống sân bay Vnukovo. Ảnh: AFP |
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 28/3 cho biết Moskva quyết định trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ và đóng cửa Tổng lãnh sự quán Mỹ tại St. Petersburg. Đây được coi là động thái trả đũa từ Nga đối với quyết định của Mỹ.
Nhân viên ngoại giao hạ quốc kỳ Mỹ tại tòa nhà Tổng lãnh sự quán Mỹ ở St. Petersburg. Ảnh: AP |
Từ sáng 1/4, một nhóm các nhà ngoại giao Mỹ đã rời Tổng lãnh sự quán tại St. Petersburg. Những nhà ngoại giao này đã cùng lên một chiếc xe buýt Freightliner và rời khỏi tòa nhà.
Nhân viên ngoại giao Mỹ rời Tổng lãnh sự quán ở St. Petersburg. Ảnh: Sputnik |
Dưới đây là video nhân viên ngoại giao Mỹ vận chuyển đồ đạc khỏi Tổng lãnh sự quán ở St.Petersburg:
Một cảnh sát khu vực xác nhận với hãng tin Sputnik rằng không còn phương tiện nào của cơ quan ngoại giao Mỹ còn xuất hiện bên trong tòa Tổng lãnh sự quán tại St. Petersburg.
Nga phủ nhận cáo buộc rằng Moskva sử dụng thuốc độc thần kinh Novichok, vốn được tạo ra bởi quân đội Liên Xô trước đây, để tấn công ông Skripal. Moskva còn nghi ngờ rằng các mật vụ của Anh đã dàn dựng vụ việc liên quan tới cựu điệp viên Skripal để thổi bùng làn sóng chống Nga.
Tổng thống Vladimir Putin từng khẳng định Nga không bao giờ thực hiện một việc như vậy. Trong khi đó, Người phát ngôn Điện Kremlin cho rằng giới chức Anh đã quá vội vàng để đổ tội cho Nga trong khi chưa tiến hành bất cứ cuộc điều tra nào.
Ông Skripal từng là cựu thành viên cơ quan tình báo quân đội Nga GRU. Năm 2006, ông Skripal bị kết án 13 năm tù với tội phản quốc vì làm gián điệp cho nước Anh. Đến năm 2010, ông Skripal là một trong 4 tù nhân được Nga thả để đổi lấy 10 điệp viên bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ. Sau đó, ông Skripal được tị nạn tại Anh.