Hiệu quả từ mô hình điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại nhà của Campuchia 

Kể từ tháng 4/2021, Bộ Y tế Campuchia đã xem xét việc điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 (F0) có triệu chứng nhẹ tại nhà để giảm tải cho các cơ sở chữa bệnh, trong bối cảnh các ca mắc mới liên quan đến “sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2” vẫn tăng nhanh mỗi ngày.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Kinh nghiệm điều trị F0 tại nhà là mô hình được Campuchia áp dụng theo Mỹ, Pháp và một số nước châu Âu mà những nước này thực hiện từ năm 2020, trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 gia tăng.

Tính đến tháng 7/2021, tức là chỉ sau 3 tháng áp dụng mô hình này (thời điểm số ca mắc COVID-19 mới tại Campuchia tăng trung bình 900 người và và trường hợp tử vong khoảng 20 ca/ngày), tỷ lệ số bệnh nhân có triệu chứng nhẹ (hoặc không có biểu hiện rõ rệt) lựa chọn được điều trị tại nhà riêng đã tăng đáng kể.

Theo Giám đốc Sở Y tế Phnom Penh Ngy Mean Heng, riêng trong tháng 7 vừa qua, khoảng 1.000 bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ (hoặc không có biểu hiện rõ rệt) được điều trị tại nhà. Tuy nhiên, thời điểm đó, cơ quan chức năng Campuchia chỉ cho phép thực hiện điều này với các cư dân Phnom Penh.

Kể từ khi Bộ Y tế Campuchia công bố bộ nguyên tắc điều trị tại nhà (SOP) vào cuối tháng 4/2021, tính đến tháng 8/2021, đã có khoảng 1.301 bệnh nhân được điều trị theo hướng này và khoảng 268 người trong số này đã bình phục hoàn toàn. Theo bộ trên, một số tỉnh thành khác tự quyết định xin phép thực hiện hướng điều trị này trong trường hợp cần thiết vì nguồn lực tại các bệnh viện cần được để dành cho những bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch.

Sở Y tế Phnom Penh và Bộ Y tế Campuchia chỉ cho phép các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ được điều trị tại nhà sau khi đã kiểm tra sức khỏe của họ và đánh giá điều kiện cơ sở vật chất tại nhà riêng. Trao đổi với báo giới hồi tháng 7, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Ngov Kang giải thích: “Những người được phép điều trị tại nhà phải trong tình trạng sức khỏe ổn định và tự đảm bảo khả năng mưu sinh. Nếu nhà họ quá nhỏ hoặc chật chội, cách điều trị này không được áp dụng vì có thể lây bệnh sang cho những người hàng xóm. Việc điều trị tại nhà riêng được thực hiện trên cơ sở tự nguyện. Chúng tôi không bắt buộc ai phải điều trị ở nhà, nhưng phải đảm bảo rằng họ không phải là người nghèo và có thể tự đảm bảo cuộc sống trong khi được điều trị tại nhà”.

Cũng từ cuối tháng 8/2021, các cơ quan chức năng Campuchia đã cho phép các phòng khám tư nhân có thể điều trị cho bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ tại nhà riêng nếu các đơn vị được cấp phép này tuân thủ chặt chẽ những quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế nước này.

Theo Bộ Y tế Campuchia ngày 8/12, trong 24 giờ qua, nước này phát hiện 14 ca mắc COVID-19, 13 trường hợp bình phục và 4 ca tử vong (trong số này hai người chưa tiêm vaccine).

Trần Long (TTXVN)
Campuchia sẽ sản xuất vaccine Sinopharm ngừa COVID-19 từ năm 2022
Campuchia sẽ sản xuất vaccine Sinopharm ngừa COVID-19 từ năm 2022

Công ty dược Sinopharm của Trung Quốc đã ký thỏa thuận với một công ty của Campuchia để bắt đầu sản xuất vaccine ngừa COVID-19 từ năm 2022. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN