Hệ lụy từ chủ nghĩa biệt lập kiểu Mỹ

Tiếp sau việc quay lưng với Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (TPP), rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, áp dụng hàng loạt biện pháp bảo hộ thương mại, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thêm bước đi mới củng cố chính sách “Nước Mỹ trước tiên” khi tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký cùng Iran và các cường quốc - có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Cùng với việc rút lui này, Washington cũng áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran, một lần nữa cho thấy Nhà Trắng bất chấp các quy tắc và thông lệ quốc tế để theo đuổi chủ nghĩa biệt lập kiểu Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng, tuyên bố quyết định rút Mỹ khỏi JCPOA, ngày 8/5. Ảnh: THX/TTXVN

Với lý do thỏa thuận hạt nhân ký kết giữa Iran và các cường quốc ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc) cùng với Đức dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama có "quá nhiều khiếm khuyết" và Iran đang tiếp tục âm thầm thực hiện các chương trình riêng của mình, Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố bắt đầu kỷ nguyên mới trừng phạt nước CH Hồi giáo bất chấp những nỗ lực thuyết phục của các đối tác khác cùng tham gia ký thỏa thuận.

Dư luận quốc tế đều chỉ trích Mỹ đã hành xử trái ngược với quan điểm của đại bộ phận các nước trên thế giới khi không hề có lý do xác đáng để ngừng thực thi thỏa thuận này. Vậy lý do thực sự khiến Tổng thống Trump bất chấp sự phản đối của cộng động quốc tế, kể cả từ phía những đồng minh truyền thống châu Âu như Pháp, Anh, Đức, để đưa ra một quyết định đơn phương như vậy là gì? Không khó để nhận thấy đây là một “mũi tên” ông Trump hướng tới nhiều đích.

Bằng việc rút khỏi thỏa thuận với Iran, Washington muốn ngăn chặn tận gốc chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran, và đặc biệt là ngăn sức ảnh hưởng đang ngày càng tăng của Iran tại khu vực, qua đó có thể giành lại sự chủ động hơn trong việc can dự tới các điểm nóng ở Trung Đông mà lâu nay vai trò của Mỹ bị giảm sút. Tuy nhiên, quyết định này lại làm tổn hại nghiêm trọng tới quan hệ đồng minh truyền thống vốn cũng đang khá mong manh giữa Mỹ với các đối tác ở bên kia bờ Đại Tây Dương, đồng thời làm gia tăng nguy cơ xung đột quân sự ở khu vực Trung Đông.

Động thái của Nhà Trắng đảo ngược những thành quả nhiều năm đàm phán khó khăn vốn được xem là giúp ngăn chặn thành công tham vọng hạt nhân của Iran, có thể ví như “cú đấm trực diện” vào các “ông lớn” châu Âu và ảnh hưởng tiêu cực tới mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Cùng với các nước tiêu thụ nhiên liệu hàng đầu tại châu Á, như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, hàng loạt nước châu Âu khác như Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp … đang nhập khẩu lượng lớn dầu mỏ từ Iran. Là những đối tác phải chịu tác động trực tiếp nhiều nhất do quyết định của Mỹ, hàng loạt nước châu Âu và châu Á đều đã lập thức lên tiếng chỉ trích sự “xấu chơi” của Mỹ.

Lãnh đạo các nước Anh, Pháp và Đức đã ra tuyên bố chung khẳng định đây là thỏa thuận vô cùng quan trọng trong việc bảo đảm ổn định khu vực và thế giới, đồng thời nêu rõ sẽ tiếp tục duy trì JCPOA. Liên minh châu Âu dự kiến có thể thông qua những điều luật giúp các công ty châu Âu kinh doanh với Iran  bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, điều này không dễ bởi Mỹ có thể buộc các doanh nghiệp châu Âu phải lựa chọn giữa việc tiếp tục làm ăn với Iran hay được phép tiếp cận thị trường rộng lớn của Mỹ.

Việc Mỹ quay lưng với JCPOA cho thấy rõ Washington muốn ngăn chặn ảnh hưởng đang ngày càng tăng của Iran tại khu vực, song điều này đồng thời làm tăng nguy cơ xung đột quân sự tại Trung Đông. Vai trò của Iran tại các điểm nóng của khu vực, như Syria, Iraq hay Yemen, trong thời gian gần đây rõ ràng đã khiến Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực như Israel và Saudi Arabia, không hề hài lòng. Tuy nhiên, việc ngăn chặn sức ảnh hưởng của Tehran vào thời điểm hiện nay không dễ dàng, bởi vị thế của Iran hiện nay tại Trung Đông đã khác nhiều và Tehran có nhiều công cụ mềm để làm xói mòn các lợi ích và vai trò vốn khá suy yếu của Washington tại khu vực địa chiến lược này.

Trước tiên là tại Iraq, nơi vai trò của Mỹ đã suy yếu đáng kể trong những năm qua. Khi tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng chiếm được phần lớn lãnh thổ Iraq năm 2014, Iran đã nhanh chóng đứng về phía Baghdad. Kể từ đó, Iran đã giúp vũ trang và huấn luyện cho hàng nghìn tay súng Shi’ite ở Iraq, hậu thuẫn Lực lượng Huy động nhân dân (PMF), một lực lượng chính trị quan trọng tại Iraq.

Để đối phó và làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ tại Iraq, Iran có thể dựa vào các phe cánh PMF, những người muốn quân đội Mỹ rời khỏi Iraq, nhất là trong bối cảnh ngày 12/5 tới Iraq tiến hành tổng tuyển cử. Còn tại Syria, từ năm 2012 đến nay, Iran đã tham gia huấn luyện hàng nghìn tay súng bán quân sự Shi’ite để hậu thuẫn chính quyền của Tổng thống Bashar al Assad. Iran cũng là một bên tham gia tích cực trong cơ chế 3 bên với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ để thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Syria.

Với sự gia tăng can dự và tầm ảnh hưởng của Iran trong thời gian qua, căng thẳng giữa Tehran với các đối thủ trong khu vực, cũng là các đồng minh thân cận của Mỹ, như Israel hay Saudi Arabia, đã luôn tiềm ẩn nguy cơ xung đột nghiêm trọng. Nay, Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, nguy cơ xung đột đó càng có cơ hội bùng phát, khi mà Iran và Israel đang “đối đầu” nghiêm trọng ở Syria, còn Saudi Arabia luôn cáo buộc Iran cung cấp khí tài quân sự cho các tay súng nổi dậy Houthi ở Yemen.

Điều mà dư luận quan tâm hàng đầu hiện nay là số phận thực tế của thỏa thuận JCPOA sẽ ra sao sau khi Mỹ rút đi. Dù các cường quốc khác như Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Nga đều tuyên bố sẽ kiên quyết ủng hộ và duy trì thỏa thuận quan trọng này, song nó có thực sự “sống” được hay không sẽ phụ thuộc vào các phương án đối phó của Iran cũng như các hành động cụ thể tiếp theo của cả Washington và những nước liên quan.

Bằng hành động quay lại chính sách chủ chiến với Iran, chính quyền Trump dường như muốn gây sức ép để thương lượng lại một thỏa thuận mới mà Washington muốn chắc chắn hơn, với những giới hạn cứng rắn hơn dành cho Tehran. Cho đến nay, Iran vẫn từ chối đàm phán lại và những phản ứng ban đầu của chính quyền Tehran sau quyết định của ông Trump được cho là mạnh mẽ nhưng cũng khôn khéo.     

Nền kinh tế Iran đã gặp nhiều khó khăn do nhiều năm chịu cấm vận quốc tế, vừa có động lực phục hồi sau khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ thì nay lại đứng trước nguy cơ tiếp tục lao đao. Thực thế cho thấy tỷ giá đồng rial của Iran đã giảm mạnh từ vài tuần gần đây sau khi có thông tin về sự rút lui của Mỹ. Các dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng bắt đầu chảy khỏi Iran do lo ngại các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt trở lại. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng các biện pháp trừng phạt mới sẽ không thể đạt hiệu quả như những gì Mỹ từng làm trước khi có thỏa thuận JCPOA do thiếu sự ủng hộ của các đồng minh châu Âu.

Ước tính, sản lượng dầu của Iran, đang ở mức gần 2,5 triệu thùng/ngày, có thể bị giảm 400.000 thùng/ngày so với mức giảm 1.000.000 thùng/ngày ở thời điểm năm 2012-2015.  Và mọi biện pháp cấm vận sẽ gây tổn hại cho tất cả các bên chứ không chỉ một mình Iran. Trước mắt có thể thấy cả Boeing và Airbus đều bị thiệt hại khi thỏa thuận cung cấp máy bay dân dụng cho Iran trị giá 40 tỷ USD phải tạm ngừng do lệnh trừng phạt của Mỹ.

Không thể dễ dàng để cho Mỹ phá hỏng cơ hội sau cả chục năm mới có được, giới lãnh đạo Iran dù tuyên bố cứng rắn nhưng vẫn muốn tạo cơ hội cho các phương án ngoại giao để huy động sự ủng hộ của quốc tế. Trong tuyên bố mới nhất, lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran, Ali Khamenei, khẳng định trừ phi 3 nước EU (là Anh, Pháp, Đức) có đảm bảo chắc chắn đối với thỏa thuận cũng như các hoạt động thương mại với Iran, nếu không Tehran sẽ rút khỏi thỏa thuận này.

Việc Tổng thống Trump tiếp tục “chơi dao” bằng việc theo đuổi các chính sách biệt lập mà phớt lờ phần còn lại của thế giới rõ ràng chỉ càng là suy giảm vai trò của Mỹ trong các vấn đề quốc tế, đặc biệt là làm gia tăng sự hoài nghi từ chính các đồng minh cũng như từ cộng đồng thế giới. Trong bối cảnh hiện nay, nếu Mỹ và các nước không tỉnh táo và có các bước đi cụ thể, nhanh chóng, rất có thể sẽ buộc Iran tái khởi động chương trình làm giàu urani, và những căng thẳng liên quan chương trình hạt nhân của Iran lại một lần nữa trở thành “hồ sơ” nóng gây căng thẳng dai dẳng với những hệ lụy khó lường.

TTXVN/Báo Tin tức
Mỹ rút khỏi Thoả thuận hạt nhân, Israel-Iran rùng rùng chuẩn bị lâm chiến?
Mỹ rút khỏi Thoả thuận hạt nhân, Israel-Iran rùng rùng chuẩn bị lâm chiến?

Sau khi Tổng thống Donald Trump thông báo Mỹ sẽ rút khỏi Thoả thuận hạt nhân lịch sử Iran, không mất mấy thời gian để Israel và Iran điều động các tài sản quân sự của mình vào vị trí sẵn sàng chiến đấu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN